Hơn 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do COVID-19

Thứ Hai, 31/05/2021, 08:22
Bộ Lao động - Thương binh, Xã hội dự báo, với tình hình dịch bệnh bùng phát hiện nay, sẽ có trên 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, khoảng 4 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất bị tác động trực diện, lao động làm việc trong tất cả các ngành, lĩnh vực đều bị tác động mạnh.


Trong dự thảo đang xin ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh, Xã hội (LĐ-TBXH) dự báo, với tình hình dịch bệnh bùng phát hiện nay, sẽ có trên 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, khoảng 4 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất bị tác động trực diện, lao động làm việc trong tất cả các ngành, lĩnh vực đều bị tác động mạnh.

Hàng triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm

Theo con số của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540 nghìn người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập (2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập).

Công nhân, người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 rất cần được hỗ trợ thời điểm này.

Trong khi đó, báo cáo ngày 29-5 của Bộ LĐ-TBXH đánh giá, dịch bệnh tác động mạnh vào những ngành, nghề, khu vực, nhóm lao động chủ yếu, số lượng người có việc làm phi chính thức gia tăng do nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động thời gian dài. Do yêu cầu phòng dịch của nhiều địa phương, cơ hội tìm kiếm được việc làm trong khu vực chính thức gặp khó khăn nên người lao động buộc phải chấp nhận làm các công việc kém ổn định, thu nhập không cao (có 19,9% lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19% lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng).

Lao động ở khu vực thành thị cũng chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 khi phải tiến hành các biện pháp phòng dịch tại các nhà máy, công xưởng. Bên cạnh đó, giao thương hàng hoá chịu tác động nhiều hơn. 

Trong 3 khu vực thì lao động khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chịu ít tác động tiêu cực của dịch nhất (7,5%), tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (16,5%), khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (20,4%). Một số ngành bị ảnh hưởng mạnh như nghệ thuật, vui chơi giải trí thu nhập của lao động bị giảm 5,2%, vận tải kho bãi thu nhập của lao động giảm 2,7%, dịch vụ lưu trú, ăn uống doanh thu giảm 3%, du lịch lữ hành doanh thu giảm 60,1%. 

Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng, hiện có 40 nghìn lao động đã hoàn tất các thủ tục nhưng chưa thể xuất cảnh.

Người lao động rất cần được hỗ trợ

Xuất phát từ những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đến hàng chục triệu lao động hiện nay, Bộ LĐ-TBXH đề xuất một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Đó là, ngân sách nhà nước hỗ trợ trả lương ngừng việc, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT bị tạm dừng hoạt động hoặc giảm hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19. 

Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn: Người lao động đang thuê nhà, người lao động đang thuê nhà có nuôi con dưới 6 tuổi bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT bị tạm ngừng hoạt động do yêu cầu của chính quyền để phòng dịch COVID-19. Thực hiện chính sách cho doanh nghiệp vay không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động; hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp, vừa để bảo đảm việc làm cho người lao động…

PGS.TS Vũ Quang Thọ, chuyên gia kinh tế lao động, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn cho rằng, xây dựng thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động thời điểm này là rất cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay rất cần thêm gói hỗ trợ để giúp đỡ người lao động, nhất là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn bởi dịch COVID-19 sẽ còn tiếp diễn. “\Tuy nhiên hiện ngân sách cũng đang khó khăn vì thế cần xác định rõ từng đối tượng để ưu tiên. Làn sóng dịch thứ 4 này đang tấn công trực tiếp vào các khu công nghiệp nên đối tượng công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn rất cần được hỗ trợ lúc này.

TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành như hiện nay, không chỉ 30 triệu lao động mà cả 54 triệu lao động Việt Nam chắc chắn ít nhiều đều bị ảnh hưởng. Vấn đề là đối tượng nào ảnh hưởng ít, đối tượng nào bị ảnh hưởng nhiều? 

Còn đề cập đến vấn đề bài toán việc làm cho người lao động hiện nay, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, các chính sách về lao động phải đi kèm với chính sách về y tế và sức khỏe. Do dịch đang kéo dài, phức tạp nên khó đưa ra các giải pháp để ổn định thị trường lao động lúc này. Thị trường lao động hiện nay rất bấp bênh, bị đông cứng. Quan trọng nhất hiện nay chỉ là phải tăng cường giải pháp để giảm thiểu tổn thương về việc làm cho người lao động.

Phan Hoạt
.
.
.