Phá sản dự án hỗ trợ người dân một xã miền núi Quảng Trị chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học:

Hỗ trợ hay ‘giải ngân’?

Thứ Hai, 10/08/2015, 09:34
Tổ chức Phi chính phủ Plan tại Quảng Trị phối hợp với xã Thuận, huyện Hướng Hóa thực hiện dự án hỗ trợ người dân (chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số) chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học. Đây là phương thức chăn nuôi gia cầm khá mới mẻ với người dân miền núi Quảng Trị và xã Thuận nói riêng.

Chính vì thế, trong tổng nguồn kinh phí đầu tư hơn 70 triệu đồng, dự án đã chi ra gần một nửa số tiền thực hiện công tác bàn giao kỹ thuật, tập huấn cho người hưởng lợi phương thức chăn nuôi gà kể trên hiệu quả nhất; số tiền còn lại 36 triệu đồng dùng vào việc mua gà giống, với tổng cộng 720 con gà một tháng tuổi, cấp cho 24 hộ dân trên địa bàn. Tới đây, có thể nói dự án đã đi đúng mục đích, ý nghĩa của nó, đó là hỗ trợ người hưởng lợi “vừa con cá, vừa cần câu” để họ có đủ điều kiện phát triển chăn nuôi một cách bền vững. Tuy nhiên, thực tế ở xã Thuận đã diễn ra không như mục đích, ý nghĩa ban đầu của dự án…

Gà thịt được cấp cho hộ chăn nuôi theo dự án hỗ trợ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học ở xã Thuận, huyện Hướng Hóa.

Ông Phạm Xuân San, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận cho biết, Ban điều hành Plan của xã Thuận ký hợp đồng mua tổng số gà giống nói trên với một công ty tư nhân ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị. Sáng 9/7/2015, công ty này đã cung cấp đầy đủ số gà giống cho 24 hộ dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, đến buổi chiều cùng ngày, gà bắt đầu chết dần. Hỏi vì sao gà chết? Ông San trả lời: “Do gà của Trung Quốc, không đảm bảo chất lượng gà giống”(?). Vì sao biết mà không ngăn chặn? “Tôi làm Trưởng Ban điều hành Plan của xã nhưng tôi không ngăn chặn được họ”(?!), ông San thở dài đánh sượt.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Chính, Phó Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa, về kiểm tra mô hình chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học tại 24 hộ dân ở xã Thuận vào ngày 9 và 10/7/2015, tất cả gà giống lúc được kiểm tra có triệu chứng chân lạnh, cụp cánh, khó thở, chướng diều, bỏ ăn, mệt mỏi không vận động và chết rải rác từ 1 đến 4 con/hộ. Trong số 24 hộ được hưởng lợi, có 80% số hộ có chuồng, nhưng chưa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về chăn nuôi; 20% số hộ chưa có chuồng hoặc chuồng nuôi tạm bợ…

Do bệnh nặng, đàn gà giống sau đó đã chết gần hết. Đến ngày 29/7, Ban điều hành Plan xã Thuận thỏa thuận với công ty cung cấp gà và người dân hưởng lợi, cấp lại cho bà con 10 con gà thịt/hộ. Như vậy có thể nói, ngay sau dự án được thực hiện, mục đích và ý nghĩa của nó đã bị phá vỡ hoàn toàn. Bởi lẽ, ở đây, người dân nhận gà giống về để chăn nuôi, phát triển chúng theo một mô hình đã được vạch sẵn, chứ không phải nhận chúng về để chăn, thả theo cách nuôi thông thường, thậm chí càng không phải nhận về để giết thịt hay bán lấy tiền.

Trở lại nguồn kinh phí gần một nửa tổng số tiền dự án bỏ ra dùng vào việc bàn giao kỹ thuật, tập huấn cho người hưởng lợi, rõ ràng qua thực tế, nó chỉ được triển khai thực hiện trên… giấy, mà không đến được kỹ càng với người dân. Hỏi về điều này, một cán bộ địa phương ngán ngẩm: “Bàn giao với tập huấn cái gì kia chứ. Chỉ là một buổi tập trung 24 hộ dân lại, cán bộ xã liên quan, cán bộ chức năng của huyện, tỉnh nói thao thao bất tuyệt cho xong việc”(?!). Chúng tôi nhắc câu chuyện cũ về “con cá và cần câu”, anh cán bộ tặc lưỡi: “Cá thì có nhưng cần thì cần… gãy”(!). Rồi anh này lấy ngay câu chuyện, nói rõ hơn về thực tế địa phương mình, cho rằng, dự án hỗ trợ 24 hộ dân chăn nuôi gà kể trên đã có “cá” và “cần”; thậm chí về mặt lý thuyết, hoạt động của dự án sẽ đem lại hiệu quả còn cao hơn trong câu chuyện, bởi lẽ bên cạnh “cá” và “cần”, nó còn chỉ vẽ tường tận cho người hưởng lợi “cách câu” thế nào để bắt được thật nhiều “cá”.

Nhưng, thực tế hiện nay ở hầu hết các địa phương miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xã Thuận nói riêng, “cá”, “cần” và “cách câu” vẫn chưa phải là điều kiện cần và đủ. Bởi vì, những người có trách nhiệm liên quan đã không chỉ ra cho đối tượng hưởng lợi thái độ sống tích cực và phù hợp. Một khi họ chỉ biết làm cho xong việc để giải ngân dự án thì người hưởng lợi làm gì có điều kiện để phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả tốt nhất. Điển hình dự án này, thay vì thực hiện cơ bản nhất mục đích và ý nghĩa của nó thì người ta đã dễ dàng thay thế gà giống bằng gà… thịt; một thái độ thiếu trách nhiệm và hết sức bàng quan trước một dự án lẽ ra mang lại sinh kế bền vững cho người dân miền núi còn nhiều khó khăn…

Phan Thanh Bình
.
.
.