Từ vụ khởi tố 2 cán bộ Hải quan để lọt container hàng hiệu trị giá hơn 16 tỷ đồng:

Hành trình của những lô hàng lậu có giá trị lớn

Chủ Nhật, 18/08/2013, 14:32
Sau khi Báo CAND có bài “Khởi tố hai cán bộ Hải quan để “lọt” container hàng hiệu trị giá hơn 16 tỷ đồng”, tiếp tục tìm hiểu chúng tôi được biết, Trần Anh Tuấn - người điều hành hai cửa hàng kinh doanh hàng hiệu Milano và Gucci (địa chỉ 80 Đông Du và 88 Đồng Khởi, quận 1, TP HCM), trước đó, cũng đã từng chỉ đạo nhân viên nhập lậu hàng với số lượng lớn mà không bị cơ quan chức năng phát hiện. Điều đáng quan tâm hiện nay, là việc khai báo gian lận để trốn thuế nhập khẩu như trường hợp trên không phải là cá biệt…

Theo khai nhận của Lê Hồng Đức, nhân viên cửa hàng Milano (đã bị cơ quan CSĐT bắt giữ về tội “buôn lậu”), Đức được Trần Anh Tuấn nhận vào làm việc từ tháng 7/2011 với nhiệm vụ là tìm các công ty trong nước để nhập khẩu hàng hóa cho Tuấn.

Quá trình nhập hàng của hai cửa hàng Milano và Gucci được thực hiện như sau: Khi có hàng từ nước ngoài chuẩn bị nhập về thì Cao Thị Anh Thư, Trưởng bộ phận xuất nhập khẩu báo cho Đức biết và giao cho Đức danh sách hàng hóa (không ghi nhãn hiệu, không ghi xuất xứ, chỉ thể hiện số lượng, chủng loại hàng hóa) để Đức báo và đưa lại cho Nguyễn Thụy Cương (nhân viên giao nhận tự do). Từ đó, Cương cung cấp cho Đức tên đơn vị xuất khẩu từ nước ngoài, đơn vị nhập khẩu tại Việt Nam, tên hàng hóa, để Thư liên hệ với hãng tàu tại nước ngoài làm vận tải đơn (bill tàu). Khi hàng về đến cảng thì Đức hoặc người của Cương đến đại lý hãng tàu lấy bill để Cương lập các thủ tục khai báo hải quan, nhận hàng.

Ngoài lô hàng bị phát hiện, trước đó cũng bằng hình thức khai báo sai nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để trốn thuế nhập khẩu, Đức sử dụng nhiều tên công ty khác nhau như: Công ty V.T, Công ty T.N, Công ty T.T.T… để nhập khẩu hàng hóa tiêu thụ tại 2 cửa hàng Milano và Gucci. Riêng Công ty TNHH  Nam Đế đã 2 lần nhận nhập khẩu ủy thác hàng hiệu gắn mác “xuất xứ Trung Quốc” cho Đức (thông qua Cương).

Hàng hiệu Gucci và Dolce & Gabana (xuất xứ Italia) thông quan trót lọt được đưa lên xe tải để chở về kho đã bị cơ quan CSĐT bắt giữ.

Xác minh tài khoản của Nguyễn Thụy Cương tại Ngân hàng Vietcombank cho thấy: Từ ngày 23/9/2011 đến 21/11/2012, hộ kinh doanh Milanovina do Võ Thị Ngọc Phượng đứng tên làm chủ (chủ cửa hàng Milano) đã chuyển 14 lần tiền phí giao nhận của nhiều bill tàu khác nhau vào tài khoản của Cương, tổng cộng hơn 2,2 tỷ đồng.

Xác minh tài khoản mở tại Ngân hàng Eximbank, từ ngày 13/3/2012 đến 31/7/2012, Phượng cũng 14 lần chuyển tiền phí giao nhận của 19 bill tàu khác nhau vào tài khoản của Cương với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Mặc dù, các container hàng nhập về có xuất xứ Trung Quốc nhưng theo khai nhận của nhân viên kho hai cửa hàng Milano và Gucci thì: Mỗi tháng Đức đưa hàng hóa về trung bình 3, 4 xe. Riêng hàng hóa nhập (giày dép, túi xách, quần áo…) không chỉ có nhãn hiệu Gucci và Dolce & Gabana mà còn có nhiều nhãn hiệu khác như: Moschino, Tods, Ropberto Cavalli, Blumarine, Blugirl, sunglasses Mazoni... tất cả đều có xuất xứ Italia ghi trên từng sản phẩm và không khi nào nhập hàng có xuất xứ Trung Quốc.

Được biết, hóa đơn xuất bán hàng cho 2 cửa hàng Gucci và Milano là của Công ty Gia Phát Thành, Công ty Milanovina, Công ty Ánh Rạng và Công ty Phương Phát (trong đó, vợ của Trần Anh Tuấn góp vốn 60% vào Công ty Gia Phát Thành và 85% vào Công ty Milanovina).

Tương tự với thủ đoạn nhập lậu hàng hiệu Gucci và Dolce & Gabana, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (PC46) cho biết, hiện cũng đang tiến hành điều tra vụ việc có dấu hiệu buôn lậu của Công ty TNHH TM-DV Tạ Giang Linh (phường 13, quận Tân Bình) do Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh chuyển sang. Công ty TNHH TM-DV Tạ Giang Linh do Đào Uyên Vân (31 tuổi) làm Giám đốc mở tờ khai nhập khẩu hàng hoá số 108343/NKD01 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cát Lái. Hàng hoá theo khai báo là: ví bằng vải, túi xách, màng nhựa PE, lưỡi cưa, thắt lưng, vòng đá… với trị giá lô hàng chỉ có 2.524 USD. Đơn vị xuất khẩu là Công ty GUANGZHOU U-RIDES ATTRACTION Co., LTD, Hongkong.

Tuy nhiên, khi Đội Kiểm soát Hải quan và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp kiểm tra thực tế lô hàng trên thì phát hiện đó là sản phẩm của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới như Gucci, YvL, MCQ. Trên các sản phẩm đều ghi là Italia, Italia - Brazil hoặc Italia – France... Tổng trị giá lô hàng này lên đến hơn 15,9 tỷ đồng; hay trường hợp Công ty TNHH Quý An Khang đăng ký mở tờ khai Hải quan số 9204/NKD01 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn KV4.

Hàng hóa khai báo nhập khẩu là động cơ máy thủy chạy diesel hiệu Cummin (hàng đã qua sử dụng), số lượng 11 cái. Nhưng khi Hải quan KV4 ban hành quyết định khám xét và trưng cầu giám định lô hàng, kết quả cho thấy, hàng hóa là động cơ và phụ tùng xe ôtô đã qua sử dụng (hàng cấm nhập) và xe nâng đã qua sử dụng (phải xin giấy phép của Cục Đăng kiểm) có tổng trị giá hơn 415 triệu đồng và 3.145 USD…

Theo cơ quan CSĐT, việc các đối tượng khai báo sai xuất xứ, chủng loại hàng hóa xảy ra nhiều trong thời gian gần đây, và tất cả các vụ việc nói trên hiện đang được cơ quan điều tra thụ lý, giải quyết. Với mục đích trốn thuế, nên các đối tượng áp dụng thủ đoạn này khá tinh vi. Vì vậy, trách nhiệm của cán bộ Hải quan đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn loại tội phạm này

Thúy Hà
.
.
.