Hàng loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp
Ngân hàng đồng loạt công bố giảm lãi suất
Trong ngày 10-7, hàng loạt ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối Khách hàng DNVVN của VPBank cho biết, ngay khi nhận được chủ trương của NHNN, VPBank đã chuẩn bị phương án và ngày 10-7 VPBank chính thức ban hành quyết định giảm lãi suất dành cho các khách hàng thuộc phân khúc DNNVV.
Mức giảm lãi suất là từ 0,5%-1%/năm. Trong đó, VPBank ưu tiên các DN siêu nhỏ (doanh thu < 20 tỷ đồng/năm). Đây là nhóm có số lượng nhiều nhất và cũng là nhóm đang cần sự hỗ trợ nhiều nhất về vốn và các yếu tố kỹ thuật khác. VPBank chọn lọc những ngành nghề phát triển nông nghiệp, năng lượng sạch, sản xuất. Bên cạnh đó, các DN mới thành lập nhưng đã có 1 thời gian hoạt động kinh doanh trước đó trên cơ sở hộ kinh doanh thì vẫn được xem xét như DN có thời gian hoạt động lâu dài. Ngoài ra, đối với những khách hàng không xuất phát từ hộ kinh doanh vẫn có thể áp dụng giảm lãi suất dựa trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế khách hàng.
Giảm lãi suất lần này sẽ giúp các DN nhỏ có thêm nguồn vốn hợp lý để tận dụng những cơ hội kinh doanh trong thời gian tới. |
“Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy nền kinh tế đang dần ổn định, đó là cơ sở để giảm lãi suất vào thời điểm này. Quyết định giảm lãi suất lần này của VPBank sẽ giúp các DN nhỏ có thêm nguồn vốn hợp lý để tận dụng những cơ hội kinh doanh trong thời gian tới” - ông Đào Gia Hưng cho biết.
Bên cạnh đó, từ ngày 10- 7, Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39 của NHNN có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Đồng thời, Agribank tiếp tục chủ động, mở rộng và đa dạng các hình thức huy động vốn; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện và chia sẻ khó khăn đối với khách hàng.
Trước đó, vào ngày 8-7, LienVietPostBank cũng thông báo giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên. Riêng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên theo quy định của NHNN còn tối đa là 6%/năm, thấp hơn 0,5%/năm so mức trần NHNN mới quy định (6,5%/năm). Tương tự, VietinBank, Eximbank cũng công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay với doanh nghiệp ưu tiên. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ còn 6,5%.
Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất sẽ giảm hơn nữa
Theo ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, mặc dù chịu áp lực tăng nhưng mặt bằng lãi suất vẫn được giữ ổn định. Đến thời điểm hiện nay, trên cơ sở đánh giá diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm và dự báo năm 2017 có khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% mà Quốc hội giao. Cùng với đó, thanh khoản của các ngân hàng có diễn biến tích cực nên để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ DN, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định điều chỉnh giảm 0,5%/ năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, NNHN cũng có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động các biện pháp để đảm bảo thanh khoản, thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí... Bên cạnh đó, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/ năm các mức lãi suất điều hành, qua đó hỗ trợ cho các nhà băng giảm chi phí tiếp cận vốn vay từ NHNN khi có nhu cầu. Đây là lần đầu tiên sau 2 năm, NHNN giảm lãi suất điều hành.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (Đồng Nai) cho biết, DN này đang vay lãi suất ngắn hạn 8%/năm, trung hạn là 10%/năm. Lãi suất cho vay giảm từ ngày 10-7 mặc dù chưa điều chỉnh giảm nhiều như kỳ vọng của DN nhưng đây cũng là một tín hiệu tích cực đối với DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. So với các nước, mặt bằng lãi suất của Việt Nam cao gần gấp đôi, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của DN. Vì vậy, trong thời gian tới, ông Nguyễn Duy Hưng kỳ vọng lãi suất sẽ giảm hơn nữa để giảm gánh nặng về tài chính cho DN.
“Lãi suất mà DN hiện đang tiếp cận được là lãi suất cho DN có uy tín tốt, tuy nhiên hiện nay chi phí đầu vào cao, lãi suất cao nhưng DN không tăng giá được sản phẩm. Vì vậy, lãi suất giảm sẽ giúp DN giảm được chi phí, nâng sức cạnh tranh của DN đồng thời cũng giúp DN đặc biệt là DNNVV tiếp cận được nhiều nguồn vốn ưu đãi thuận tiện hơn. Như vậy sẽ kích thích DN đầu tư, mở rộng kinh doanh. Có được nguồn vốn tốt thì sẽ thúc đẩy DN phát triển” - ông Hưng nói.
Bà Vũ Giang Biên - Giám đốc Công ty Du lịch thiên đường Á Châu (PATTOURS) cũng cho rằng, lãi suất cho vay giảm sẽ tác động rất lớn tới hoạt động DN. Tuy nhiên, lãi suất giảm nhưng việc tiếp cận được nguồn vốn đối với DNNVV vẫn còn khó khăn. Vì vậy, DNNVV chỉ mong có được nguồn vốn cạnh tranh, kịp thời, tiếp cận nguồn vốn được thuận tiện hơn, có như vậy những tác động của lãi suất mới tới được DNNVV.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khẳng định, ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng DN và sẵn sàng chia sẻ với DN. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay chủ yếu do các ngân hàng thương mại cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường. Để có lãi suất cho vay ưu đãi như hiện nay, các ngân hàng đã phải tìm mọi cách tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng hoạt động.