Hàng loạt doanh nghiệp vận tải vẫn “chây ì” giảm cước
Thông tin từ đoàn kiểm tra cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 10 DN kinh doanh vận tải tuyến cố định với khoảng 90 đầu xe, 17-18 DN taxi với khoảng 1.400 xe. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài chính, hiện mới chỉ có 4/10 DN vận tải hành khách đã thực hiện kê khai giảm giá cước vào tháng 11/2014. Các DN taxi đã thực kiện kê khai giảm giá cước với mức từ 7%-12%.
Hiện Sở Tài chính Vĩnh Phúc đã có văn bản đề nghị các DN vận tải tuyến cố định kê khai giảm giá cước theo diễn biến giảm của giá xăng dầu đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, tính đến thời điểm đoàn đến làm việc (từ ngày 19/1 đến ngày công bố kết quả là 30/1), các DN này vẫn chưa thực hiện kê khai giảm giá cước. Vì vậy, ngày 30/1/2015, Cục Quản lý giá đã báo cáo Bộ Tài chính ban hành Công văn 1565/BTC-QLG yêu cầu Sở Tài chính Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thực hiện quyết liệt các biện pháp yêu cầu các DN vận tải tuyến cố định kê khai giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của giá xăng dầu trong tháng 1/2015.
Trên địa bàn Điện Biên, mới chỉ có một đợt giảm giá ngày 25/11/2014, với mức giảm trung bình 4,8%. Trong khi đó, tại Lâm Đồng, đến thời điểm ngày 20/1, Sở Tài chính Lâm Đồng cho biết, đã nhận được 32/40 hồ sơ kê khai giảm giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.
Tại Khánh Hòa, tính đến trưa ngày 22/1, hiện còn 11/64 đơn vị chưa thực hiện kê khai giảm giá hoặc không giảm; 2/64 đơn vị kê khai giảm giá cước nhưng không giảm tuyến vận tải cố định và 1 đơn vị kê khai giá lần đầu, còn lại 50 đơn vị đã thực hiện kê khai giảm giá cước.
Tại Thủ đô Hà Nội, tại cuộc họp với đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính hôm 28/1, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Ban giá, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, tính đến chiều ngày 27/1/2015, đã có tổng số 120 DN vận tải của Hà Nội kê khai giảm giá cước, bao gồm 86 DN taxi, 31 DN vận tải hành khách tuyến cố định và 3 DN vận tải container. Tuy nhiên, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cũng thừa nhận chưa có bảng thống kê chính thức cho nguồn số liệu này.
Bên cạnh những DN chây ì không chịu giảm giá, kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cũng ghi nhận một số địa phương đã thực hiện rất tốt công tác giảm giá cước. Tỉnh đầu tiên hoàn thành tốt việc đôn đốc DN kê khai giảm cước là Sơn La. Hiện toàn bộ 22 DN với khoảng 30 luồng tuyến trên địa bàn đã nộp hồ sơ kê khai giảm giá cước với mức giảm 5-10%. Tỷ lệ giảm này được rà soát theo lần kê khai giá gần nhất từ tháng 8/2014, và vì thế mức giảm này là hợp lý với tình hình biến động giá xăng dầu.
Tại Bắc Ninh, đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính cũng ghi nhận tất cả 20 đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó taxi có 14 đơn vị, kinh doanh tuyến cố định có 4 đơn vị, kinh doanh vận tải xe buýt có 2 đơn vị đã thực hiện kê khai giảm giá cước. Trong đó, vận tải theo tuyến cố định giảm bình quân 5.000 đồng/hành khách, taxi giảm khoảng 3-10% so với thời điểm tháng 6/2014. Ở miền Trung, tại Bình Thuận, qua kiểm tra, hầu hết các DN kinh doanh vận tải đều đã kê khai giảm giá cước vận tải hành khách từ 8% - 10% theo xu hướng giảm giá nhiên liệu. Một tỉnh khác là Ninh Thuận, tuy chưa đạt 100% nhưng cũng đã có 10/11 DN kê khai giảm giá cước vận tải hành khách và 1/3 DN vận tải hành khách bằng xe taxi thực hiện việc kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm.