Hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam vẫn gặp khó

Thứ Ba, 03/11/2020, 08:58
Thị trường hàng không Việt Nam đang bước vào những tháng cuối của năm 2020. Nếu như những năm trước, hai tháng cuối năm có thể được coi là thời điểm vàng để tăng lợi nhuận, thì năm nay, những con số báo cáo tài chính từ các hãng cho thấy thị trường hàng không Việt đã có một năm ảm đạm.

9 tháng đầu năm, hai thương hiệu hàng không lớn nhất Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet kinh doanh lỗ cả nghìn tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho thấy bức tranh kinh doanh của ông lớn ngành Hàng không Việt với khoản lỗ sau thuế gần 4.000 tỷ đồng. Doanh thu trong kỳ của Vietnam Airlines chỉ đạt gần 7.621 tỷ đồng, giảm mạnh so với hơn 25.630 tỷ cùng kỳ năm ngoái.

Đại dịch COVID-19 khiến lượng khách đi máy bay giảm mạnh.

Nguyên nhân khiến doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh do dịch COVID-19 khiến kinh doanh đình trệ, đa số máy bay nằm sân. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Vietnam Airlines là 32.411 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ 2019. Doanh nghiệp ghi nhận lỗ ròng hơn 10.676 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2.513 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 9, Vietnam Airlines lỗ lũy kế 8.874 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp từ 18.608 tỷ đồng giảm về còn 6.611 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp âm 6.270 tỷ đồng.

Được biết, kế hoạch kinh doanh dựa trên ước tính Tổng công ty sẽ tạm dừng khai thác các đường bay đi châu Âu và Australia hết năm 2020. Năm 2020, số lượng khách vận chuyển dự kiến 14,5 triệu khách, giảm 36,8% và số lượng khách luân chuyển là 16,2 tỷ khách/km, giảm 57%. Số lượng hàng hóa là 204.800 tấn. Đồng thời dựa trên phương án được vay 12.000 tỷ đồng của Chính phủ thời hạn 3 năm và VNA chưa thực hiện các giải pháp tăng vốn chủ sở hữu trong năm 2020.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ 2020, được soát xét bởi Deloitte, Công ty Kiểm toán Deloitte từng đưa ra lưu ý iên quan đến nợ vay của Vietnam Airlines tại ngày 30-6, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 18.444 tỷ đồng. Trong kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc cùng ngày Tổng công ty có kết quả hoạt động kinh doanh lỗ 6.678 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.362 tỷ đồng.

“Dịch bệnh COVID-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp cũng như diễn biến của dịch COVID-19”, báo cáo nêu. Theo đó, kiểm toán đã lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines trong thời gian tới.

Tương tự, theo báo cáo tài chính quý III hợp nhất vừa công bố, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet lỗ gần 925 tỷ đồng sau 9 tháng. Có lợi nhuận trở lại trong quý II nhưng Vietjet tiếp tục lỗ lớn trong quý III khi làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7. Tổng doanh thu của Vietjet trong 3 tháng qua là 2.809 tỷ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Gần như toàn bộ doanh thu quý III của Vietjet đều đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không.

Trong quý vừa qua, Vietjet không có doanh thu từ chuyển giao quyền sở hữu và thương mại máy  bay. Đây là một nghiệp vụ quan trọng mang về hàng nghìn tỷ đồng cho hãng hàng không. Ban lãnh đạo Vietjet cho biết riêng tần suất khai thác các đường bay nội địa trong tháng 7 của hãng đạt 300 chuyến/ngày, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng dịch bệnh quay trở lại Đà Nẵng làm sân bay của thành phố lớn nhất miền Trung tạm dừng hoạt động khiến tổng số chuyến bay nội địa trong quý III của hãng giảm 35% so với cùng kỳ 2019. Điều này khiến doanh thu giảm sâu.

Với doanh thu thấp hơn giá vốn, Vietjet lỗ gộp 611 tỷ đồng. Sau khi hạch toán thêm chi phí hoạt động, khoản lỗ sau thuế của Vietjet trong kỳ là 971 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, hãng hàng không này có lãi 1.700 tỷ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu hợp nhất của Vietjet là 13.780 tỷ đồng, thấp hơn 64% so với cùng kỳ 2019. Mức lỗ của công ty sau 3 quý là 925 tỷ trong khi lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2019 lên tới 3.680 tỷ. Dù lỗ lớn, doanh nghiệp vẫn đảm bảo dòng tiền khi còn nguồn lợi nhuận chưa phân phối 10.595 tỷ.

Ban lãnh đạo Vietjet cho biết khoản lỗ 925 tỷ sau 9 tháng thấp hơn so với dự kiến. Trong kế hoạch trình đại hội cổ đông thường niên, hãng hàng không này vẫn đặt mục tiêu lạc quan có lợi nhuận trước thuế hợp nhất 100 tỷ và lợi nhuận của riêng công ty mẹ hòa vốn. sau 9 tháng, Vietjet cho biết khai thác gần 60.000 chuyến bay trong nước, vận chuyển hơn 10 triệu hành khách. Trong thời gian các đường bay thương mại quốc tế chưa được phép khai thác bình thường trở lại, Vietjet thực hiện gần 250 chuyến bay chuyên chở hành khách và vận chuyển hàng hóa về nước.

Công ty cho biết đang tiếp tục triển khai các giải pháp tối ưu hóa hoạt động, tập trung vào việc tiết kiệm chi phí, tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp, các chi phí thuê, khai thác và bảo dưỡng máy bay thấp hơn bình quân 50-70% so với cùng kỳ năm trước. Song song đó, Vietjet triển khai thực hiện nhiều giải pháp kinh doanh mới như tự phục vụ mặt đất ở sân bay Nội Bài để tối ưu chi phí, tạo nguồn thu phụ trợ tại sân bay, tăng cường các chuyến bay chở hàng, ra mắt hạng vé mới, tăng cường doanh thu phụ trợ…

Trước đó, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã có báo cáo đánh giá về thị trường hàng không thế giới năm 2020, cho thấy sản lượng hành khách, doanh thu đều sụt giảm. Các hãng hàng không Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, mặc dù có lợi thế về tốc độ tăng trưởng cao duy trì liên tục nhiều năm qua và quy mô thị trường nội địa.

Giữa năm nay, IATA đã đánh giá khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu thiệt hại nặng nề nhất với mức lỗ 29 tỷ USD, riêng các hãng hàng không Việt Nam mất khoảng bốn tỷ USD doanh thu.

Phạm Huyền
.
.
.