Hải Phòng cần thu hút và lựa chọn doanh nghiệp FDI có công nghệ cao
Hải Phòng hiện có 521 doanh nghiệp FDI với 582 dự án đang hoạt động. Năm 2018, Hải Phòng đã thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn từ các dự án tăng quy mô và tăng vốn đầu tư sau một thời gian sản xuất kinh doanh ổn định, chỉ tiêu doanh thu của khối doanh nghiệp FDI tăng dần về cuối năm, về thu hút lao động, số lao động trong doanh nghiệp FDI cũng tăng so với cùng kỳ năm trước (9,07%).
Năm 2019, Hải Phòng dự kiến thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,5 tỷ USD, định hướng và có chọn lọc vào một số lĩnh vực quan trọng như: công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực...
Kết hợp thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, phát huy nội lực của doanh nghiệp thành phố với vai trò "vệ tinh"; khuyến khích thu hút các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực có tính liên kết vùng, lĩnh vực tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho các quận, huyện trên địa bàn.
Theo báo cáo của TP Hải Phòng, năm 2018 đã thanh tra, kiểm tra 148 doanh nghiệp FDI, qua đó truy thu xử phạt trên 104 tỷ đồng, giảm khấu trừ 108 tỷ đồng, giảm lỗ 336 tỷ đồng. Trong chống chuyển giá, ngành thuế Hải Phòng đã thực hiện ở 7 doanh nghiệp FDI, truy thu được trên 10,4 tỷ, giảm lỗ trên 75 tỷ.
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, và chống chuyển giá vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, các doanh nghiệp FDI có tiềm lực lớn dễ tiếp cận hơn doanh nghiệp trong nước khi đầu tư tại các KKT, KCN - những nơi có mức ưu đãi tốt hơn. Mặt khác, các chính sách ưu đãi không phân biệt ngành nghề sản xuất, thương mại hay dịch vụ nên có doanh nghiệp FDI chỉ thuê văn phòng trong Khu kinh tế để nhập linh kiện về lắp ráp hưởng ưu đãi... Cục Thuế Hải Phòng kiến nghị nên có thu hút đầu tư chọn lọc đối với lĩnh vực sản xuất để bảo đảm tính chặt chẽ của pháp luật đầu tư.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với TP Hải Phòng. |
Theo ông Nguyễn Bách Phái, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện khối FDI đang sử dụng 142.000 lao động, chấp hành pháp luật lao động tốt hơn doanh nghiệp trong nước. Tiền lương khối FDI bình quân 8,1 triệu đồng/người/tháng, cao hơn tất cả các khối doanh nghiệp khác. Tỉ lệ đóng BHXH gần như hầu hết thực hiện tốt, nợ đọng BHXH thấp nhất so với các khu vực khác. Chính vì vậy, mục tiêu thu hút FDI là cần thiết, vừa thu hút doanh nghiệp có công nghệ cao, vừa thu hút doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều lao động tại các vùng kém phát triển.
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, quan điểm thu hút đầu tư FDI của Hải Phòng là hướng tới cả đầu tư mua lại, sáp nhập doanh nghiệp, bảo vệ môi trường và người lao động; thu hút có chọn lọc đầu tư FDI, gắn với bảo đảm thị trường quốc tế và thị trường, sản phẩm hàng hoá của Việt Nam.
Cũng theo ông Lê Văn Thành, việc phát triển các KKT, KCN ở Hải Phòng thời gian qua đều gắn liền với phát triển đô thị và đạt hiệu quả, điển hình như KCN VSIP, nhưng ở các KCN, cụm công nghiệp thì chưa làm được do thiếu vốn...
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, cho đến nay Hải Phòng đã thu hút 18 tỷ USD đầu tư nước ngoài, đóng góp tới 35% tổng đầu tư toàn xã hội, hơn 50% thu ngân sách của thành phố trong khối doanh nghiệp. Trong khi đó, tính bình quân cả nước FDI đóng góp 13,6% thu ngân sách, 20% GDP nhưng chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu hàng hoá của cả nước. Hải Phòng nổi lên như một điển hình về thu hút và sử dụng FDI tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Hải Phòng cần làm rõ hơn nữa về các giải pháp, chính sách thu hút FDI trong thời gian tới, cơ chế để kết nối, việc chuyển giao công nghệ và quản trị đối với doanh nghiệp… Đồng thời, cần có chính sách thu hút FDI gắn với chính sách phát triển khu công nghiệp, ưu tiên kết nối các ngành công nghiệp động lực của Việt Nam để thay thế hàng nhập khẩu. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp lại đầy đủ các kiến nghị, ý kiến của Hải Phòng.