Hải Phòng: Thuốc lào Tiên Lãng có thể xuất khẩu

Thứ Năm, 02/06/2011, 15:39
Theo một số thư tịch cổ, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là quê của Thượng thư Bộ Hộ Nhữ Văn Lan, ông ngoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người đã có công trong việc tiến loại thuốc lào ngon hảo hạng lên vua. Hiện, ngôi mộ của cụ Nhữ Văn Lan cùng vợ, con gái được đặt giữa khu vực trồng toàn thuốc lào của vùng đất… "Tiên"…

Rất nhiều cụ cao niên ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã khẳng định như vậy và cho biết thêm: Thuốc lào tiến vua là loại thuốc đặc biệt chỉ được trồng ở thôn An Tử, thuộc xã Kiến Thiết. Và nữa, chỉ trồng riêng ở một khu ruộng gọi là ruộng Chùa ở An Tử.

Giống cây thuốc này có đặc điểm: lá nhỏ, dày và năng suất thì cực… thấp. Người ta trồng khá cầu kỳ: 2 ngày rẽ nhánh một lần (cấu những lá và búp non để nuôi những lá nhất định). Nếu cây bị sâu bệnh, người trồng phải nấu cơm nếp, giã nhỏ, đắp lên chỗ sâu bệnh, đốt thuốc để sâu dính vào nắm cơm mà không được phun thuốc.

Khi thu hoạch, lại phải để thuốc trên sàn, đốt rơm ở dưới để đượm khói, ra mùi thơm đặc trưng. Thuốc phơi được 2-3 nắng, gia chủ tiếp tục làm bầu, tức là dùng một dụng cụ giống như quả bầu, chắt nước cháo và phun vào các phên thuốc để có mùi thơm đặc trưng. Thuốc phơi nếu không được nắng là mất xuân (mất màu vàng đẹp). Nói tóm lại, loại thuốc để tiến vua là vô cùng cầu kỳ mà bất kể nơi nào khác cũng không thể trồng được... 

Người dân Tiên Lãng đang thu hoạch thuốc lào.

Vất vả là thế nhưng thu nhập của người dân cũng chỉ đủ sống. Mỗi sào nếu thuận mùa, thuận nắng chỉ thu hoạch được khoảng 40kg (khô) đem về cho người trồng từ 7 - 8 triệu đồng (chưa tính đầu tư ban đầu). Cái khó với người dân Tiên Lãng bây giờ là kinh phí đầu cho mỗi sào thuốc trong khi nhiều loại vật tư nông nghiệp đang đội giá. Cũng có nhiều hộ dân đã muốn chuyển đổi sang trồng loại cây công nghiệp khác, song khẩn nỗi đất trồng thuốc lào thuần đất chua phèn, độ nhiễm PH rất cao và nhiễm mặn.

Đó là chưa kể, cơ quan quản lý chuyên ngành của địa phương (Phòng NN&PTNT) tới nay cũng chưa đưa ra được một phương pháp nào khác khả thi cho người nông dân. Đã vậy, theo một số bà con trong huyện, chưa tới mùa thu hoạch, nhiều "lái thuốc" đã len về ép giá. Không ít hộ đã phải bán non cả diện tích thuốc trồng của mình để trang trải tiền công, cây giống, phân bón các loại…

Thực trạng trên cho thấy, đầu ra của loại cây công nghiệp này đang gặp phải rất nhiều vấn đề bất cập. Được biết, "thuốc lào tiến vua" của Tiên Lãng từng đã xuất hiện xuất hiện ở thị trường ngoài nước với giá xấp xỉ 200 USD/kg. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một chương trình đầu tư xuất khẩu nào được các cấp, ngành ở Tiên Lãng xúc tiến bài bản.

Ngày 19/11/2010, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thuốc lào Tiên Lãng. Tuy nhiên, do nhiều hộ nông dân chạy theo sản lượng, lợi nhuận nên đã không đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tiếp nữa, việc hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh trong một thời gian dài không được quan tâm đầu tư; đội ngũ cán bộ địa phương chưa có kinh nghiệm quản lý thương hiệu đang là những khó khăn khiến sản phẩm này vẫn sản xuất manh mún, tự phát...

Với những lợi thế có sẵn, hy vọng nghề trồng thuốc lào ở đất… "Tiên" và đời sống của người dân ở nơi đây sẽ sớm nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý

Đăng Hùng
.
.
.