Giữ việc làm cho người lao động là vấn đề sống còn

Chủ Nhật, 30/08/2020, 09:21
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đang tạo ra những hệ lụy cho hàng triệu lao động. Chưa bao giờ tình trạng giãn việc, mất việc làm khiến người lao động điêu đứng như hiện nay.

Theo các chuyên gia về lao động, tình trạng mất việc làm sẽ còn căng thẳng hơn trong thời gian tới đây. Giữ được việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội là yêu cầu rất cấp thiết.

Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

PV: Theo dự báo của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), mỗi tháng sẽ có khoảng 100 nghìn người mất việc. Đây là một con số không hề nhỏ, và hậu quả của đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến người lao động hiện nay. Ông nghĩ thế nào về con số này?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Tôi cho rằng, người ta dự báo không sai đâu. Theo tôi, thậm chí người ta còn đang dự báo khiêm tốn. Chắc chắn thời gian tới, tình hình mất việc làm sẽ còn căng thẳng và cao hơn không chỉ thế này. Theo tính toán và dự báo của chúng tôi, con số mất việc làm còn cao hơn thế này nhiều. Vì tình hình không có việc làm sẽ ngày càng căng thẳng nên đã có lần tôi phát biểu, bây giờ không thể có khẩu hiệu đòi tăng lương, tăng thu nhập nữa.

Bây giờ là thời điểm phải thỏa thuận với người sử dụng lao động ở mức nào đó mà cả bên người lao động và người sử dụng lao động chấp nhận được với mức thu nhập như thế này. Bởi vì cái người lao động cần nhất hiện nay là việc làm, nó quan trọng hơn tiền lương và thu nhập. Có nghĩa là bên cạnh cần việc làm thì tiền lương và thu nhập không thể thấp hơn hai bên thỏa thuận được.

Một vài người có ý kiến anh không cần tiền lương và thu nhập thì không thể sống được. Tuy nhiên, nói thế nào thì nói thì hai bên thỏa thuận một mức tiền lương, thu nhập đảm bảo người ta có thể sống được, sống ngấp ngoải cũng được nhưng mà người ta vẫn sống được.

PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

PV: Ông đề cập đến việc tình trạng mất việc sẽ còn căng thẳng hơn thời gian tới. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Tình trạng mất việc làm, thất nghiệp luôn luôn có ở mọi thời điểm. Kể cả khi nền kinh tế không có COVID thì cũng có một tỉ lệ mất việc làm, thất nghiệp nhất định. Vấn đề đó luôn luôn là áp lực, giờ kết hợp với tình hình dịch bệnh đè nặng nên tất cả các doanh nghiệp chứ không chỉ riêng một khu vực nào, một lĩnh vực nào mà là tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam.

Chính vì thế, mà thiếu việc làm, giãn thợ, nghỉ luôn phiên đối mới diễn ra trầm trọng như hiện nay. Nhưng đó là những doanh nghiệp còn nghĩ đến người lao động. Nếu doanh thất nghiệp mà không nghĩ đến người lao động, họ sẽ cho lao động nghỉ việc luôn. Thực tế này đang báo hiệu cho những người làm chính sách của Việt Nam biết rằng, đây không chỉ còn là dự báo nữa mà nó là nguy cơ, nguy cơ thực sự đối với những người đang điều hành chính sách nhân sự, chính sách việc làm ở Việt Nam.

Theo tôi khẩu hiệu bây giờ đối với tổ chức công đoàn là “ không chỉ là tiền lương và thu nhập mà vấn đề cơ bản trước mắt hiện nay, sống còn hiện nay của tổ chức công đoàn là việc làm cho công nhân và người lao động”. Vì có việc làm họ mới tiền lương để đảm bảo cuộc sống. Vì thế tiền lương và thu nhập là yếu xếp thứ hai chứ không phải là yếu tố xếp thứ nhất. Yếu tố xếp thứ nhất hiện nay là việc làm.

PV: Như cách nhìn của ông thì áp lực của doanh nghiệp hiện nay cũng chính là áp lực với người lao động?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Đúng như thế. Áp lực, thách thức của doanh nghiệp cũng chính là thách thức đối với người lao động. Thách thức hiện nay đang diễn ra với tất cả các doanh nghiệp chứ không chỉ có doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo quan điểm của tôi, có lẽ các doanh nghiệp lớn cũng nguy cơ tổn thương nhiều hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ. Đơn giản cứ nghĩ như trên một trục đường giao thông, khi gặp tắc đường, xe đạp, xe máy có thể tìm cách lách để vượt lên. Còn với chiếc xe tải lớn thì không thể, và chỉ có thể chờ đợi.

PV: Theo ông, để người lao động để vượt qua giai đoạn hiện nay cần những giải pháp gì?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Theo tôi có mấy vấn đề cần phải nói rõ. Đầu tiên là phía người lao động. Người lao động phải coi mục tiêu việc làm là số một, sau đó mới đến các mục tiêu khác là tiền lương, thu nhập, phúc lợi… Người lao động cần có ý thức cao hơn đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, đảm đương công việc đến nơi đến chốn lúc đó mới có thể đưa ra yêu cầu của mình. Phải xác định đừng có áp đặt, yêu cầu hoặc gây áp lực đối với người sử dụng lao động trong khi họ đang cố gắng tạo việc làm.

Đây là thời điểm có lẽ những người làm công đoàn phải cảm ơn những doanh nghiệp vì họ đã tạo công ăn việc làm cho người lao động. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn người sử dụng lao động cùng với tổ chức công đoàn nỗ lực hơn nữa tạo thêm nhiều công ăn việc làm để cho những người lao động bớt khó khăn, bớt vất vả trong bối cảnh hiện nay. Còn phía các doanh nghiệp cần nhân thời gian giãn cách, thông tin thêm cho người lao động hiểu về doanh nghiệp để họ hiểu và cùng gánh vác vượt qua thời kỳ khó khăn này.

Nhân thời gian giãn cách này, huấn luyện tay nghề, trao đổi kinh nghiệm, rằng trong tập thể lao động này chúng tôi vẫn cần các anh giúp chúng tôi tăng thêm kỹ năng này, giảm bớt yêu cầu ở chỗ kia… Người sử dụng lao động phải nói ra thì người lao động mới biết được để cho mối quan hệ, sự hiểu biết giữa người lao động và người sử dụng lao động gần nhau, hơn, gắn bó chặt chẽ với nhau hơn biết đâu qua được thời kỳ khó khăn này người lao động và người sử dụng lao động sẽ trở thành một ngôi nhà tốt.

Đây chính là kế sách mà người Nhật đã sử dụng lâu nay. Và khi người sử dụng lao động coi người lao động như người nhà thì người lao động sẽ gắn bó, nỗ lực hết sức mình vì lợi ích của cả hai bên.

PV: Còn phía các cơ quan nhà nước, theo ông cần phải có những động thái gì?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Nhà nước cũng phải có trách nhiệm trong việc này. Không thể nêu ra khẩu hiệu xong để kệ cho bên sử dụng lao động, người lao động tự xoay xở. Phía nhà nước ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục phải có trách nhiệm chăm lo tốt hơn cho doanh nghiệp để giữ được việc làm cho người lao động. Nhà nước phải khuyến khích người lao động giữ mình, giữ cho những người xung quanh mình có sức khỏe tốt để làm việc trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Nhà nước phải có trách nhiệm thường xuyên sâu sát, kiểm tra. Bởi vì nói thì nói thế thôi, nếu không kiểm tra thì những đơn vị sử dụng lao động sẽ làm những việc mà chúng ta không nắm được. Người ta là doanh nghiệp nên chắc chắn sẽ vì lợi nhuận mà làm.

PV: Dịch bệnh đang rất phức tạp, có thể kéo dài đến hết năm nay hoặc sang cả năm 2021, ông cho rằng chúng ta cần phải làm gì để đảm bảo an sinh xã hội?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Tôi cho rằng, cả phía Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động phải dự kiến trong đầu rằng, dịch COVID-19 sẽ không phải chấm dứt trong hết tháng này, hết năm nay, chưa biết chừng phải đến hết quý 1-2021 mới giải quyết được. Thậm chí có thể còn phức tạp hơn ở năm 2021. Có nghĩa chúng ta phải chuẩn bị tinh thần cho cả năm 2021. Chúng ta phải chuẩn bị những giải pháp dài hạn.

PV: Từ khi dịch bệnh diễn ra, Bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện rõ vai trò là “chiếc phao cứu sinh” cho người lao động. Tuy nhiên, có một thực trạng hiện nay là người lao động chỉ chú ý đến việc nhận tiền trợ cấp để bảo đảm cuộc sống trước mắt mà không quan tâm đến học tập nâng cao tay nghề theo chính sách Bảo hiểm thất nghiệp. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Ngoài gói 62 nghìn tỷ, tôi được biết cũng chuẩn bị có một gói nữa với tổng số tiền lên hơn 18 nghìn tỷ để hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cái này là rất cần thiết, đặc biệt đối với người lao động. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Lúc này họ thực sự cần.

Tuy nhiên, các cơ quan liên quan đến người lao động cần phải tận dụng thời điểm này để cổ vũ, động viên, yêu cầu người lao động tiếp cận đến những chương trình đào tạo bồi dưỡng tay nghề, nâng cao tay nghề. Trước đây anh cảm thấy cái nghề như thế thì tạm thời có công ăn việc làm. Nhưng đến bây giờ, người ta đòi hỏi tay nghề phải cao hơn, thành thục hơn. Người lao động phải hiểu rõ vấn đề này để thông qua sự hỗ trợ để tích cực học hỏi, nâng cao tay nghề, tiếp cận được những việc làm có yêu cầu tay nghề cao hơn.

Có một thực trạng hiện nay là người lao động vẫn rất thờ ơ với việc học tập nâng cao tay nghề. Tôi cho rằng, anh đề cập đến vấn đề này rất chính xác. Tôi vẫn nói với người lao động khi đi làm những khảo sát rằng, thời kỳ này rất cần thiết phải học tập để nâng cao kỹ năng tay nghề là hay nhất. Không ai mong muốn dịch bệnh kéo đến cả, nhưng dịch bệnh đã xảy ra rồi dù sao nó cũng là một cơ hội cho người lao động nâng cao tay nghề. Người lao động cần phải nỗ lực, gắn bó vào công việc, và tu luyện nâng cao tay nghề.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.