Gian nan chống buôn lậu khoáng sản trên vùng biển Đông Bắc

Thứ Ba, 20/04/2010, 11:47
Công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn bởi vào thời điểm này, thời tiết xấu, đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình phức tạp để hoạt động. Trong khi đó, tàu của các đối tượng buôn lậu có trọng tải lớn, được trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải hiện đại, đội ngũ thủy thủ lại có kinh nghiệm sông nước, thông thạo luồng lạch, vòng tránh các chốt, trạm của lực lượng chống buôn lậu...

Trái với quy luật thông thường (hoạt động buôn lậu thường diễn biến phức tạp vào thời điểm cuối năm) thời điểm này, tình hình buôn lậu khoáng sản trên vùng biển Đông Bắc đang diễn biến rất phức tạp. Lợi dụng gió mùa đông bắc và nhu cầu sử dụng nhiên liệu của các nước tăng trở lại, hoạt động buôn lậu than, khoáng sản trên biển tiếp tục gia tăng. Tính từ thời điểm đầu đợt cao điểm đến ngày 15/4, Cục PCTP ma túy BĐBP phối hợp với BĐBP các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải đoàn 38 đã bắt giữ 32 vụ/235 đối tượng, thu giữ gần 40 nghìn tấn than các loại, 850 tấn quặng.

Những thủ đoạn lách luật

Đến ngày 19/4, Cục PCTP ma túy - BĐBP đã ra quyết định khởi tố 2 vụ, 16 đối tượng về hành vi vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới, đồng thời đang hoàn tất hồ sơ khởi tố hai chủ tàu HP 2667 và tàu NĐ-1923 về tội danh trên. Số các vụ bị khởi tố là quá ít so với các vụ vận chuyển khoáng sản ra nước ngoài bị phát hiện và hầu hết chưa đánh trúng được các đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong các tổ chức, đường dây buôn lậu lớn.

Sự chênh lệch giữa giá than trong nội địa và nước ngoài khiến hoạt động buôn lậu than trên biển ngày càng khó kiểm soát. Đối tượng buôn lậu cấu kết với chủ các tàu, thuyền có hàng trăm thủ đoạn đối phó với lực lượng chống buôn lậu. Một trong số đó là tình trạng sử dụng giấy tờ thiếu minh bạch.

Điển hình lúc 7h ngày 13/3, tại vùng biển Cô Tô (Quảng Ninh), Đội tuần tra Hải đội 2 BP bắt tàu Hoàng Triệu 16 đang hành trình theo hướng từ Việt Nam đi Trung Quốc. Trên tàu vận chuyển 1.200 tấn than cám sang cảng Bạch Long (Trung Quốc). Thủ đoạn lách luật ở đây là các đối tượng sử dụng hợp đồng của Công ty Tường Doanh bán cho Công ty cổ phần Hoàng Minh ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã hết hạn sử dụng.

Trước những băn khoăn của chúng tôi về câu hỏi, vì sao hoạt động buôn lậu trên biển lại phức tạp vào thời gian này, Thượng tá Hồ Quang Vinh, Phó phòng của Cục PCTP ma tuý-BĐBP cho biết: Thời điểm này, gió mùa đông bắc hoạt động mạnh, thời tiết diễn biến phức tạp. Đối tượng buôn lậu biết chắc chắn tàu của các lực lượng chống buôn lậu trên biển không thể neo, đậu được ở ngoài khơi thường xuyên.

Tại địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng xuất hiện hàng trăm bãi tập kết than lớn, nhỏ của các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động không phép, tập trung ở tuyến ven sông từ khu vực bến phà rừng đến cầu Đá Bạc (Thủy Nguyên - Hải Phòng), khu vực cảng Cẩm Phả, Cửa Ông, Làng Khánh, Hoành Bồ, khu vực Mạo Khê, Uông Bí (Quảng Ninh).

Theo tài liệu thu thập được thì nguồn cung cấp than, khoáng sản cho các doanh nghiệp phần lớn là tận thu, mua hàng thanh lý hoặc mua đi, bán lại lòng vòng. Phần lớn than không có nguồn gốc. Các đối tượng chỉ trình hóa đơn và hợp đồng mua bán than trong nội địa khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.

Được biết, thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư của hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng đã xóa bỏ giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp vi phạm. Song trên thực tế vẫn còn trên 500 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo kiểu "chụp giật" này. Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng mua bán hóa đơn GTGT để hợp pháp hóa nguồn gốc than trái phép.

Bắt giữ tàu vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển.

Những kẽ hở trong công tác quản lý

Một cán bộ của Cục PCTP ma tuý - BĐBP cho biết: Hiện tại vùng biển Đông Bắc có khoảng 90 tàu có trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên. Hầu hết các phương tiện không đảm bảo thủ tục giấy tờ, đội ngũ thủy thủ, thuyền viên không có chứng chỉ chuyên môn, thường xuyên hoạt động quá phạm vi cho phép.

Công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn bởi vào thời điểm này, thời tiết xấu, gió mùa đông bắc hoạt động, đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình phức tạp để hoạt động. Trong khi đó, tàu của các đối tượng buôn lậu có trọng tải lớn từ 800 đến 2.000 tấn, được trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải hiện đại, đội ngũ thủy thủ lại có kinh nghiệm sông nước, thông thạo luồng lạch. Trong đêm tối, khi thời tiết xấu, chúng di chuyển ra vùng biển giáp ranh, vòng tránh các chốt, trạm của lực lượng chống buôn lậu…

Thời gian qua, lực lượng chống buôn lậu BĐBP phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan đã tiến hành khảo sát các tuyến, địa bàn trọng điểm, đối tượng phương tiện và quy luật. Một số phương tiện chuyên vận chuyển than, khoáng sản từ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương có nghi vấn đã được lên danh sách, đưa vào tầm "trinh sát"… Song do lợi nhuận, các đối tượng bất chấp thủ đoạn.

Một thủ đoạn hiện nay là các đối tượng cùng lúc cho nhiều tàu cùng xuất phát. Chúng chấp nhận mất một đến hai tàu để các tàu khác chạy thoát. Một khó khăn không nhỏ hiện nay chính là ý thức của một bộ phận dân cư chưa cao, trong đó lực lượng chống buôn lậu cũng nhiều lần gặp phải "sự khủng bố" của đối tượng buôn lậu.

Cuộc chiến chống buôn lậu trên biển rất phức tạp, bởi địa bàn biên giới rộng, trong khi lực lượng của chúng ta còn quá mỏng. Trước hết, cần chống buôn lậu ngay từ trên bờ. Bên cạnh sự đấu tranh quyết liệt trên biển thì thường xuyên kiểm soát trên biển phát hiện xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển trái phép than, chống thông đồng, móc ngoặc trong việc đưa than từ bên ngoài, trong mua bán hoá đơn lậu, hoá đơn giả và móc ngoặc trong kiểm định hoàn hoá hoặc tiến hành các "hợp đồng ma" để vận chuyển than xuất lậu ra nước ngoài

Xuân Mai
.
.
.