Giải pháp phát triển bền vững an ninh nguồn nước

Thứ Sáu, 30/10/2020, 09:34
Ngày 29/10, tại Hà Nội, Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Thông tin tổ chức phi chính phủ; Viện Dân số sức khỏe và phát triển, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thảo với chủ đề “An ninh nước vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”.

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ nhiều cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội trong và ngoài Liên hiệp Hội Việt Nam, các đối tác của các tổ chức xã hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA, cho biết, trong năm 2020, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, giông lốc, sạt lở, lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Vừa qua, lũ lụt rất lớn ở miền Trung đã gây nhiều tổn thất về người và tài sản.

Mặt khác, theo Tiến sỹ Phạm Văn Tân, tài nguyên nước Việt Nam tuy phong phú nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp ngoài biên giới. Nguồn nước Việt Nam trong tình trạng bị ô nhiễm nặng nề ở rất nhiều khu vực, lưu lượng không đều trong năm - lúc quá ít, khi quá nhiều.

Do đó, rất cần có việc đánh giá thực trạng các chính sách, pháp luật về bảo đảm nguồn nước và việc cung cấp nước, nhất là nguồn nước sạch phục vụ sản xuất và đời sống, đồng thời, nêu rõ những thách thức, rào cản, bất cập và những kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đóng góp nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên nước, trong đó cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước theo hướng xã hội hóa.

Ngoài ra, cần quy định đầy đủ quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước; phân định rõ giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông tránh chồng chéo; tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long và các lưu vực sông lớn.

Lý Thanh Hương
.
.
.