Giải pháp để “cứu” ngành chăn nuôi

Thứ Hai, 27/05/2013, 23:52
Giá thành sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm sâu trong thời gian qua đã khiến nhiều hộ chăn nuôi đã phải “treo chuồng” hoặc chăn nuôi cầm chừng. Trước tình trạng trên, Bộ NN&PTNN đã họp bàn, đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi phía Nam.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết: “Chưa khi nào giá các sản phẩm gia súc, gia cầm lại giảm sâu và giảm lâu như thời điểm này”. Giá gà thịt, trong năm 2012 dao động 29.000 – 30.500 đồng/kg, nhưng sang năm 2013, giá đã giảm mạnh, chỉ còn 18.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá gà trắng tính đến ngày 23/5 chỉ còn ở mức 14.000 đồng/kg. Hàng ngàn hộ chăn nuôi gà công nghiệp đang phải “gánh” lỗ, khi giá bán chỉ bằng phân nửa giá thành.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, các tỉnh miền Đông Nam Bộ đang có khoảng 1.500 trại với vốn đầu tư 2 tỉ đồng/trại (chưa tính các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ). Song, khu vực này hiện đang tồn hơn 1 triệu con gà, tương đương khoảng 3.600 tấn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gà mất giá và lượng tồn đọng còn nhiều  là do thông tin dịch cúm H7N9 xảy ra ở Trung Quốc nhưng thông tin này đã ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam khiến ngành chăn nuôi gà trong nước điêu đứng. Còn với thịt gia súc thì do người chăn nuôi phụ thuộc quá nhiều vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu (thức ăn chăn nuôi chiếm 70% chi phí giá thành), trong khi giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao.

Phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện phương án “treo chuồng” hoặc chăn nuôi theo hướng tự cung tự cấp. Các trang trại lớn và một số công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài như C.P, Japfa, Emivest, thì thu hẹp sản xuất. Như C.P giảm 50% đàn gà công nghiệp, không phát triển đàn heo, ngưng hoạt động các trại không hiệu quả.

Mặc dù giá thịt gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi giảm mạnh nhưng giá bán lẻ ngoài thị trường vẫn không giảm.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Bình Phước boăn khoăn: “Tháng 9 tới, một công ty của Hàn Quốc sẽ vào Việt Nam dự định cung cấp cho thị trường khoảng 1,2 triệu con gà/tháng. Đây là con số rất lớn, trong khi đó gà trong nước thì không bán được. Vì vậy, không biết trong thời gian tới, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước sẽ đi về đâu?”.

Ông Chung Kim, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi và Chế biến gia súc Kim Long cũng chia sẻ, người tiêu dùng (NTD) đang ngại sản phẩm chăn nuôi bởi vì hàng ngày họ luôn nhận được những thông tin về thịt thối được vận chuyển và bày bán tràn lan trên thị trường. Vì vậy, trong thời điểm sức mua còn yếu, để tạo lòng tin và sự an tâm của NTD, các doanh nghiệp chăn nuôi phải đảm bảo chất lượng bằng những sản phẩm sạch. Ngoài ra, không ít đại diện các Hiệp hội cũng bày tỏ sự lo ngại, nếu như không có biện pháp kịp thời định hướng ngành chăn nuôi thì sẽ không tránh khỏi điệp khúc lúc thì khủng hoảng thừa, lúc thì khủng hoảng thiếu sản phẩm gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, nếu ngành chăn nuôi không được “cứu” kịp thời thì chắc chắn sẽ dẫn đến việc đổ vỡ dây chuyền của toànngành. Vấn đề nằm ở chỗ, ngoài giá bán đang quá thấp, người chăn nuôi hiện còn rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng do vướng thủ tục thế chấp. Cá biệt một số hộ tiếp cận được thì vốn cũng rất hạn chế nên buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc bỏ nghề. Vì vậy, vấn đề mà các hộ chăn nuôi cần ở đây là được khoanh,giãn nợ cũng như có chính sách linh hoạt cho vay vốn để duy trì sản xuất. Ngoài ra, việc đánh thuế VAT 5% trên thức ăn chăn nuôi hiện nay không còn phù hợp vì không có nước nào áp dụng, khiến giá thức ăn chăn nuôi của nước ta bị đẩy lên quá cao, hơn các nước từ 10 - 15%.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi và định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Dương, cho biết: Bộ, ngành sẽ kiến nghị cho ngành chăn nuôi tiếp cận vốn ưu đãi, duy trì quy mô đàn tối thiểu. Kiến nghị tăng cường kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát hàng nhập lậu qua biên giới. Người chăn nuôi cũng phải tự tạo thức ăn chăn nuôi từ nguồn nguyên liệu tại chỗ để giảm giá thành đầu tư

K.Ngân - T.Ngà
.
.
.