Giá thịt gà Mỹ rẻ như rau là hàng tồn
PV: Thưa ông, trước thực trạng nhiều sản phẩm gia cầm nhập khẩu đang được bán với mức giá rẻ bất ngờ với giá 20.000-25.000 đồng/kg, gây hoang mang cho người tiêu dùng và gây “shock” cho người chăn nuôi vừa qua, ông có nhận định gì?
Ông Tống Xuân Chinh: Theo như phản ánh của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua thì chắc hẳn “có vấn đề”. Bởi theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, giá gà bình quân tại Mỹ trong quý II/2015 vẫn từ 2-2,2 USD/kg. Chúng ta thấy rằng, so sánh trong việc chăn nuôi gà công nghiệp ở Mỹ và Việt Nam cho thấy, chỉ khác nhau không đáng kể ở giá thành thức ăn chăn nuôi do Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu nên giá thành cao hơn Mỹ. Nhưng, kể cả ở Mỹ, giá thức ăn chăn nuôi rẻ hơn cũng không thể có sản phẩm gà 20.000 đồng/kg.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). |
PV: Theo ông, tại sao lại có chuyện giá gà nhập khẩu rẻ như rau?
Ông Tống Xuân Chinh: Vào thời điểm cuối năm 2014, nước Mỹ xảy ra dịch cúm gia cầm H5N8 với quy mô lớn, có tới 16 bang bị ảnh hưởng. Sau đó, 30 nước nhập khẩu thịt gà của Mỹ đã tạm dừng nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Chính thức, từ ngày 1/5, Việt Nam đã tạm dừng nhập khẩu gà Mỹ. Theo thông tin Bộ Nông nghiệp Mỹ cung cấp, thịt gia cầm tồn kho thời điểm này đã tăng tới 27% so với cùng kỳ năm 2014. Về mặt thương mại, khi không xuất khẩu được, họ có thể chấp nhận bán với giá rẻ hơn bình thường để đẩy hàng tồn kho đi.
Thứ hai, sau dịch cúm gia cầm, lượng trứng gà của Mỹ cũng tăng đột ngột với mức tăng lên tới 23%. Thông thường, sau khi lượng trứng gà tăng đột ngột thì chỉ 10 tháng – 12 tháng sau, toàn bộ gà đẻ sẽ trở thành gà loại thải. Nhiều nước không nhập khẩu loại gà này do lo ngại kháng sinh tồn dư trong quá trình nuôi gà đẻ trứng. Tuy nhiên, văn hóa ẩm thực Việt Nam lại ưa chuộng đùi, cánh, nội tạng... nên nước ta trở thành thị trường của loại gà này. Thứ ba, người châu Âu và Bắc Mỹ chuộng nhất là sản phẩm ức gà do dinh dưỡng cao nhất, cholesterol thấp nhất. Ở Mỹ, giá ức gà bán có thể gấp 8-9 lần cánh, đùi gà. Vì vậy, Mỹ có thể bán rẻ đùi gà vì coi đây là phụ phẩm.
PV: Ông có thể lý giải tại sao, nước ta đã tạm ngừng nhập khẩu thịt gà Mỹ từ ngày 1-5 nhưng theo số liệu mới cập nhật từ Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm chúng ta vẫn nhập 66.000 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ?
Ông Tống Xuân Chinh: Có thể do có nhiều hợp đồng các đối tác phía Việt Nam và Mỹ đã ký kết trước tháng 5 nên vẫn tiếp tục thực hiện. Hơn nữa, hiện việc kiểm soát các lô hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất của chúng ta chưa được chặt chẽ, hoặc cũng có thể theo hình thức tạm nhập tái xuất nhưng lại nhập khẩu trở lại theo đường biên. Tất cả các lô hàng thức ăn chăn nuôi doanh nghiệp nhập khẩu về đều phải thể hiện rõ trên tờ khai hải quan, xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn, mục đích sử dụng... Tôi khẳng định, tại Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào nhập khẩu các sản phẩm gia cầm về làm thức ăn chăn nuôi.
PV: Việt Nam đã lập được “hàng rào” kiểm soát kháng sinh tồn dư trong gia cầm, gia súc nhập khẩu chưa?
Ông Tống Xuân Chinh: Cách đây mấy năm, do tình trạng gà thải loại ồ ạt nhập vào Việt Nam nên Bộ NN&PTNT đã lập “hàng rào” kiểm soát tồn dư kháng sinh. Hiện, quy định này đang có trong Thông tư 25/2010/TT-BNNPTN. Nhưng vấn đề kiểm soát được hay không và kiểm soát đến đâu thì tùy từng thời điểm, có thể nâng cao tiêu chuẩn hoặc giảm bớt. Theo xu thế chung của thế giới thì hầu hết “hàng rào” kỹ thuật đều chặt chẽ và tiêu chuẩn cao hơn để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Về động thái Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đề nghị kiện thịt gà Mỹ bán phá giá ở thị trường Việt Nam, theo tôi, trước mắt chúng ta cần điều tra, làm rõ nguyên nhân vì sao đùi gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ. Trong khi chưa có đủ thông tin, bằng chứng thì chưa thể kiện bán phá giá đùi gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam. Hơn nữa, kiện phá giá một mặt hàng đối với một cường quốc như Mỹ đòi quy trình, thủ tục, nguồn lực rất lớn.