Giá cước vận tải biển "tụt dốc"

Thứ Sáu, 28/11/2008, 08:25
Từ đầu quý 3/2008 đến nay, giá cước vận tải biển liên tục giảm mạnh, đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp loại hình vận tải này. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải xoay xỏa, cố gắng cầm cự để vượt qua cơn bĩ cực. Nhưng do giá cước quá thấp nên không ít doanh nghiệp vận tải biển đang đứng bên bờ vực phá sản.

Giá cước đã xuống tới "đáy"

Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu vận tải ở tất cả các lĩnh vực giảm mạnh, trong đó có ngành vận tải biển. Giá cước vận tải của ngành này đã "tụt dốc" từ 30-70% trong vòng 3 tháng qua.

Theo Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, giá cước giảm mạnh nhất là loại tàu hàng khô có trọng tải từ 40 nghìn tấn đến trên 100 nghìn tấn, giảm tới 90%. Thậm chí, chỉ trong 1 tuần, giá cho thuê định hạn tàu hàng rời, trọng tải 5 vạn tấn, từ 40 nghìn USD/ngày, giảm xuống còn 19 nghìn USD/ngày. Như vậy, sau 3 tháng liên tục giảm giá, giá cước vận tải biển chỉ còn 10-12 nghìn USD/ngày. Không riêng loại tàu hàng khô có trọng tải lớn, các tàu chở container cũng giảm cước mạnh. Hiện, chỉ còn tàu chở dầu (loại đáy đôi, vỏ kép mới) là vẫn giữ giá, do hàng loạt tàu vỏ đơn không đảm bảo quy định quốc tế, đã bị loại bỏ.

Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, hiện giá cước vận tải biển đã xuống đến "đáy" và không thể giảm thêm. Nếu như cách đây 3 tháng, giá cước vận tải container tuyến châu Âu khoảng 1.500 USD/container 20 feet, thì nay chỉ còn 500 USD. Thậm chí, có chủ tàu còn chấp nhận giá cước 300-400 USD/container.

Việc giá cước giảm mạnh và xuống tới ngưỡng quá thấp như hiện nay, đã làm toàn ngành vận tải biển chao đảo. Có doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nhưng cũng không ít doanh nghiệp cực chẳng đã, đành chọn phương án cho tàu… nghỉ vì càng chạy, càng lỗ.

Cảnh báo tình trạng phát triển "nóng"

Hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển hiện nay đều than vãn về tình trạng giá cước "xuống dốc không phanh" nên làm ăn thua lỗ. Doanh nghiệp nào có hướng tiến thủ thì cố gắng chèo chống; những doanh nghiệp không trong tốp đầu, cũng chẳng rơi vào tốp cuối thì hoạt động cầm cự; còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mới thành lập, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phát triển quá "nóng" phương tiện trong thời gian qua,

Trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp vận tải biển tại Hải Phòng, chúng tôi được biết những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đầu tư một cách ào ạt để mua sắm tàu vận tải. Ngỡ đó là sự năng động, sẽ ăn nên làm ra, nhưng thực tế, đó lại là sự thụ động, thiếu cân nhắc, tính toán. Trong khi, doanh nghiệp thiếu thông tin, chưa thực sự nhạy bén với thị trường thì các cơ quan chức năng lại chưa có sự định hướng nhằm giúp doanh nghiệp đầu tư đúng và trúng.

Hậu quả, thừa tàu, thiếu hàng. Đã có những trường hợp cho thuê định hạn bị hủy. Không có hàng, bên thuê thà chấp nhận hủy hợp đồng và chịu phạt một lần còn hơn kéo dài cả hợp đồng để rồi lỗ nặng. Rõ ràng, cả doanh nghiệp có tàu cho thuê lẫn doanh nghiệp đi thuê tàu đều khó khăn chồng lên khó khăn, do giá cước vận tải biển giảm tới mức kỷ lục.

Đáng nói, mặc dù đã được cảnh báo về mức giảm giá cước trước đó, nhưng khi đợt giá này xảy ra, chỉ có số ít doanh nghiệp e ngại, còn lại, vẫn ào ạt mua sắm thêm phương tiện, mở rộng địa bàn hoạt động và cái giá phải trả cho sự phát triển "nóng" này, như đã nêu ở trên, quả là không nhỏ.

Tuy nhiên, trong số hàng chục doanh nghiệp vận tải biển đang gặp khó khăn do giá cước thấp, vẫn có những đơn vị biến khó khăn chung thành lợi thế riêng của mình. Đơn cử như Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO). Đội tàu của công ty chủ yếu là tàu lớn, việc khai thác hàng cho các tàu loại này là không dễ. Song, do năng động và dày dạn kinh nghiệm, thay vì  mải miết… viễn dương, VOSCO đã quay lại "sân nhà".

Lãnh đạo VOSCO cho hay, thời gian qua, các hãng tàu trong nước dường như bỏ quên "sân nhà". Bởi vậy, 70% thị phần vận tải biển trong nước đều do các hãng nước ngoài chi phối. Vì vậy, VOSCO xây dựng chiến lược hình thành tuyến vận tải container nội địa Hải Phòng - TP Hồ Chí Minh.

Để khai thác đội tàu này hiệu quả, công ty đã đầu tư khoảng 55 triệu USD mua 3 tàu do Nhật Bản sản xuất. Đồng thời, mua 1.200 TEU vỏ container mới phục vụ tuyến vận tải Hải Phòng - TP Hồ Chí Minh. Như vậy có nghĩa để khắc phục khó khăn do giá cước rớt quá thấp, các doanh nghiệp vận tải biển tuỳ từng điều kiện, hoàn cảnh mà có hướng đi cho riêng mình.

Với VOSCO, doanh nghiệp vận tải biển hàng đầu Việt Nam, khỏi nói, nhưng các doanh nghiệp khác, việc chèo chống để trụ vững là không dễ. Trước mắt, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp này cần phải bám sát thông tin thị trường để có thể điều chỉnh mức giá hợp lý, cố gắng duy trì những bạn hàng truyền thống, những tuyến có tiềm năng...

Lệ Thu
.
.
.