GDP năm 2018 tăng 7,08%, cao nhất 11 năm trở lại đây

Thứ Năm, 27/12/2018, 16:11
Kinh tế Việt Nam 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển. GDP năm 2018 đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, còn lạm phát cũng dưới 4% mục tiêu Quốc hội đề ra.

Chiều 27-12, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố số liệu thống kê năm 2018. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2018 tăng 7,31% so với cùng kỳ 2017. Tính chung GDP năm 2018 tăng 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2008 trở lại đây. 

Theo ông Lâm, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành hơn 5,53 triệu tỷ đồng. GDP bình quân đầu người khoảng 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD. Mức này tăng 198 USD so với năm 2017.

Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu 6,7% đặt ra là kết quả sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Trong mức tăng chung nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,76%, góp 8,7% vào tăng trưởng chung. 

Khu vực công nghiệp, xây dựng là 8,85% và góp xấp xỉ 49% tăng trưởng; dịch vụ tăng 7,03%, góp gần 43% vào tăng trưởng. Xét về góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng gần 7,2% so với 2017, tích luỹ tài sản hơn 8,2%; cùng đó xuất khẩu hàng hoá tăng 14,3%...

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

 Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Về lạm phát, theo ông Lâm, CPI tháng 12/2018 giảm 0,25% so với tháng trước. CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54%, đạt mục tiêu dưới 4% Quốc hội giao. “Năm 2018 được coi là thành công trong việc kiểm soát lạm phát. 

Theo đó, CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017 và tăng 2,98% so với tháng 12 năm 2017. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2018 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2018.” Ông Lâm nhấn mạnh

Giá một số mặt hàng chủ yếu trong rổ hàng hoá (xăng dầu, giá gas, giá thịt lợn) đồng loạt giảm trong tháng 12 đã giúp CPI tháng này tăng trưởng âm. Giá xăng trong nước giảm 1.830 đồng với RON 95; xăng E5RON92 giảm 1.840 đồng một lít; dầu diesel cũng giảm 1.630 đồng một lít...

Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 12 năm 2018 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,7% so với cùng kỳ; năm 2018 so năm 2017 tăng 1,48%. 

Năm 2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu từ việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.

 Mức tăng lạm phát cơ bản trong năm 2018 so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng từ 1,18% đến 1,72%, lạm phát cơ bản bình quân năm tăng 1,48% thấp hơn mức kế hoạch 1,6%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt hơn 244,7 tỷ USD, tăng gần 14% so với 2017. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) vẫn chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu, hơn 175,5 tỷ USD, trong khi khối trong nước đạt 69,2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, cả năm Việt Nam nhập khẩu hơn 237,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Tính chung năm 2018 Việt Nam đạt thặng dư thương mại 7,2 tỷ USD, trong đó khu vực trong nước nhập siêu 25,6 tỷ và khu vực đầu tư nước ngoài (gồm dầu thô) xuất siêu 32,8 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017 - mức tăng cao nhất 11 năm qua. 

Chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước được tăng cường. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện.


Lưu Hiệp
.
.
.