Dự án lãng phí đất đai

Thứ Sáu, 13/03/2009, 14:42
Nơi vốn thiếu đất bờ xôi, ruộng mật nhưng Công ty Liên doanh Thần Nông Minh Châu vẫn được địa phương ưu ái xén ra 20ha để xây dựng nhà máy sản xuất phân bón vi sinh. Nhưng đã 5 năm nay, dự án chỉ được thực hiện trên một diện tích rất nhỏ.

Dự án không khả thi...

Đông Triều là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh, do vậy quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp không nhiều. Tuy vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh này cũng cố gắng dành dải đất phía Bắc đường 18A (đường chạy qua xã Hoàng Quế, Đông Triều) để quy hoạch cho hoạt động sản xuất công nghiệp.

Nếu vì mục tiêu công nghiệp hoá thì khỏi phải bàn, nhưng có điều là, trong khi chờ đợi phủ kín đất công nghiệp, tại sao người ta không cấp đất cho dự án hoạt động công nghiệp ở những dải đồi thấp chỉ cách ruộng trồng lúa có vài trăm mét(?!). Phải chăng, đất cấp cho Công ty Thần Nông Minh Châu đã được "ưu ái" tối đa, vì mảnh đất này nằm ven QL18A nhưng giá đền bù đất ruộng cho dân lại rẻ như bèo(?!).

Mặt khác, năng lực của chủ đầu tư rất hạn chế, chỉ có thể triển khai trên diện tích quy mô nhỏ nhưng lại xin bằng được quyền thuê tới 20ha. Để tránh tiếng, chủ đầu tư chia dự án thành nhiều giai đoạn thực thi. Nếu cho đó là giải pháp, phương án của doanh nghiệp sao không giới hạn tiến độ thu hồi đất theo từng giai đoạn?

Nghĩa là, thay vì cấp 20ha đất ngay cùng một lúc cho Công ty Thần Nông Minh Châu thì chỉ cấp từng phần theo các giai đoạn của dự án. Làm được như vậy thì không những Nhà nước vẫn thu được thuế sử dụng, sản xuất trên đất, mà người nông dân vẫn có cơ hội sản xuất ra hàng hoá trên mảnh đất màu mỡ của mình.

... Vẽ "bánh" để làm gì?

Công ty Thần Nông Minh Châu là một công ty liên doanh giữa các đối tác phía Việt Nam và Hồng Kông, trong đó, theo đăng ký ban đầu phía Việt Nam gồm 7 cổ đông góp hơn 17,5 tỷ VNĐ; phía Hồng Kông gồm 5 cổ đông góp gần 24,2 tỷ VNĐ. Nhà máy có tổng vốn đăng ký đầu tư ban đầu là 7,6 triệu USD; công suất thiết kế 200 ngàn tấn phân bón/năm.

Tiếp đó, theo Quyết định 654/QĐ-UB ngày 2/3/2005 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc cho Công ty Liên doanh Thần Nông Minh Châu thuê đất xây dựng nhà máy sản xuất phân bón vi sinh, dự án được GPMB rất mau lẹ. Nhưng cho đến nay, khi chúng tôi đến nơi được lãnh đạo nhà máy cho "mục sở thị" một phân xưởng sản xuất chính với những cỗ máy nằm im lìm, không có lấy một công nhân đứng máy, và hàng trăm tấn sản phẩm nằm "án binh, bất động"(?!).

Theo bản Báo cáo số 71/CV-TNMT của Công ty Thần Nông Minh Châu ngày 6/9/2008 về tình hình thực hiện dự án đầu tư, có đoạn: "... số lượng lao động hiện nay là 71 người. Sản xuất năm 2007 đạt 4.000 tấn, từ đầu năm 2008 đến nay đạt 4.000 tấn...".

Nhìn vào bản báo cáo này người ta thấy việc thu hút lao động và sản lượng sản xuất phân bón của nhà máy là rất "khiêm tốn" so với diện tích đất đã được thu hồi và so với thuyết minh ban đầu của dự án.

Cũng tại đây, chủ đầu tư cũng tỏ rõ sự "nhăn nhó" với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh như: Công ty đã gặp khó khăn chưa được thị trường chấp nhận sản phẩm mới một cách đầy đủ, chưa chuẩn bị tốt về tâm lý cho bà con nông dân...; rồi biến động về giá cả, thị trường cũng như suy giảm nền kinh tế toàn cầu v.v...

Thêm nữa, Công ty cũng vạch rõ 5 giai đoạn tiếp theo của dự án cho đến cuối năm 2012 một cách "hoành tráng" song cũng rất chơi vơi, không thấy có "tia sáng" nào ở cuối "đường hầm" trong phương án ấy cả. Thần Nông Minh Châu cũng giải thích rằng, sở dĩ dự án cần có diện tích lớn là để phát triển vùng trồng mía, nguyên liệu chính làm phân vi sinh. Nhưng thực tế, mía chẳng ra mía, lau chẳng ra lau!

Cần "trải thảm đỏ" để thu hút các nhà đầu tư. Đúng rồi, nhưng đầu tư như thế nào, có tính lợi ích lâu dài, có trong mục tiêu phát triển bền vững hay không mới cần đón họ bước qua "thảm đỏ". Còn với dự án của Công ty Thần Nông Minh Châu, hiệu quả chưa hề thấy, chỉ thấy Quảng Ninh đã "hy sinh" một cách phí phạm hàng chục ha đất ở một huyện miền núi.

Dư luận mong rằng, tỉnh Quảng Ninh cần xem xét lại việc để lãng phí đất tại dự án này

Duyên Hải
.
.
.