Doanh nghiệp khốn đốn vì bị nợ khó đòi

Thứ Bảy, 29/12/2012, 22:10
Trong thời gian vừa qua, số vụ tố cáo lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gửi đến cơ quan Công an các cấp ở TP Hồ Chí Minh luôn tăng đột biến. Bên cạnh đó, TAND các cấp cũng thụ lý với số lượng “khủng” loại án đòi nợ và tranh chấp trong làm ăn kinh tế.

Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do tình hình kinh tế khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp và người kinh doanh làm ăn thua lỗ nên đã làm liều… khiến đối tác lao đao, rơi vào cảnh vỡ nợ, phá sản.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đang thụ lý điều tra đơn của 3 người tố cáo ông Lý Vinh (57 tuổi; ngụ quận 11, TP Hồ Chí Minh), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Vĩnh Kiến Thành (trụ sở đặt tại huyện Tân Uyên, Bình Dương) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của họ với tổng số tiền 2,1 tỷ đồng và 10 lượng vàng SJC.

Theo điều tra của cơ quan Công an, tuy doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản nhưng ông Lý Vinh “nổ” công ty của mình đang “ăn nên làm ra” và hỏi vay bà T.T.X. (ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) 300 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Sau khi trả được 2 tháng tiền lãi, đầu năm 2011, ông Vinh tiếp tục hỏi vay bà X. 10 lượng vàng. Trả lãi lần vay này được 1 tháng, ông Vinh lại hỏi vay thêm 300 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận tiền lần này ông Vinh đã “cao chạy xa bay”.

Cũng với thủ đoạn tương tự, ông Vinh đã chiếm đoạt của bà C.T.M.H. (ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) 1,3 tỷ đồng và của ông D.B. (quận 11, TP Hồ Chí Minh) 200 triệu đồng. Khi vụ việc vỡ lở, những người này tìm đến công ty thì thấy đóng cửa, tìm đến nhà theo địa chỉ thường trú thì được biết ông Vinh đã bán nhà từ lâu.

Một trường hợp khác: Ông Thân Văn Rớt (ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), đại diện Công ty TNHH TM-DV-SX Rực Sáng vừa có đơn tố cáo bà Vũ Thị Hà (ngụ phường 12, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 168.000 USD.

Ông Rớt cho biết ông quen biết với bà Hà từ năm 2009. Đến năm 2010, bà Hà nói đang nhập khẩu số lượng lớn gỗ từ Campuchia về Việt Nam nên đề nghị Công ty Rực Sáng cho mượn trước 300.000 USD, khi gỗ nhập về sẽ bán lại cho Công ty Rực Sáng để cấn trừ nợ. Tin tưởng bà Hà, ông Rớt đi vay ngân hàng 6 tỷ đồng (tương đương 300.000 USD) đưa hết cho bà Hà mượn. Tuy nhiên sau đó bà Hà không thực hiện lời hứa nên ông Rớt đi tìm hiểu thì mới hay, tiền ông cho vay bà Hà dùng mua nhà đất và đánh đề chứ chẳng nhập khẩu gỗ gì cả. Vì vậy mà ông Rớt đòi lại tiền, bà Hà trả được hơn 2,6 tỷ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương… Hiện Đội 8, PC 45, Công an TP Hồ Chí Minh đang truy tìm bà Hà để điều tra làm rõ.

Không riêng gì các doanh nghiệp tư nhân, người kinh doanh tự do mà ngay cả những công ty lớn của Nhà nước cũng dựa vào “tình hình kinh tế khó khăn chung” để quỵt nợ của đối tác.

Trước đây, Công ty TNHH Minh Hằng (trụ sở đặt tại huyện Cần Đước, Long An) có ký hợp đồng với Chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng số 1 đặt ở Hà Nội do ông Nguyễn Hữu Đức làm Giám đốc (được sự ủy quyền của ông Nguyễn Văn Chiến là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng số 1 lúc bấy giờ) để cung cấp sà lan, cần cẩu phục vụ thi công công trình tại cảng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Sau đó hai bên thanh lý hợp đồng, Chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng số 1 còn nợ Công ty Minh Hằng hơn 1 tỷ đồng nhưng sau đó thì quỵt luôn.

Tháng 9/2012, Công ty Minh Hằng có đơn đề nghị Tổng Công ty Xây dựng số 1 (trụ sở đặt tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) có trách nhiệm trả nợ cho Chi nhánh của mình nhưng nơi đây chẳng thèm đả động tới. Thậm chí còn không tiếp nhận đơn, không nghe điện thoại mỗi khi người đại diện của Công ty Minh Hằng gọi đến. 

Để tránh mắc phải những “cạm bẫy” nói trên, một điều tra viên của Đội 8, PC45, Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng khi cho ai có vay mượn tiền thì nhất thiết phải có tài sản đảm bảo chứ tuyệt đối không nghe những lời ngon ngọt của người vay. Còn trường hợp hợp tác làm ăn cũng vậy, để tránh rủi ro cần buộc đối tác phải có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng tương đương giá trị thanh toán trước khi đặt bút ký hợp đồng

P.Tuyền
.
.
.