Doanh nghiệp cần hỗ trợ của tham tán thương mại

Thứ Ba, 30/01/2007, 10:04

Phần lớn khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu là thiếu thông tin thị trường mà doanh nghiệp đã xuất khẩu hoặc có kế hoạch xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần phải bổ sung thêm người để hỗ trợ công việc của tham tán thương mại chứ hiện nay ở mỗi nước chỉ có 2-3 người nên công việc quá tải...

Bà Mỹ Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Thanh (An Giang) chuyên xuất khẩu gạo sang hai thị trường chủ yếu là Philippines và Indonesia, cũng lúng túng vì chưa hiểu hết thị trường mình đang xuất khẩu nên nhờ đến sự giúp đỡ của các tham tán tại hai nước này. Cũng vì thiếu thông tin về đối tác làm ăn nên ông Hồ Văn Vàng, Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu gốm đất đỏ ở Vĩnh Long, bị đối tác nước ngoài nợ đến 20.000 USD và khó có khả năng thu hồi.

Doanh nghiệp rất cần tham tán hỗ trợ thông tin

Ngoài một số doanh nghiệp xuất khẩu không hiểu thông tin thị trường mà mình đang xuất khẩu, cũng có rất nhiều doanh nghiệp có ý định xuất khẩu nhưng lại không biết tìm hiểu thông tin (thủ tục pháp lý, thị hiếu người tiêu dùng, sản phẩm…) ở đâu.

Chẳng hạn như thắc mắc của ông Nguyễn Xuân Bản (Hiệp hội Xây dựng): "Hiệp hội sang khảo sát thị trường Campuchia và thấy đây là thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng có nhiều rủi ro: Chưa có Ngân hàng Việt Nam tại Campuchia, buôn bán quốc tế, luật pháp chưa hiểu được… nên chúng tôi rất băn khoăn".

Ông Nguyễn Thới Nhân - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm NCT Nacati Foods Inc (quận 12, TP HCM) thì bức xúc: Từ trước tới giờ đã từng có những hội nghị tham tán, hội nghị đại sứ gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp nhưng tôi thấy chưa mang lại hiệu quả cao. Cứ mỗi lần xúc tiến thương mại thì rất tốn kém nhưng khi thực hiện các thủ tục như gởi email thì đối tác im re.

Cũng theo nhiều ý kiến của doanh nghiệp thì cần phải bổ sung thêm người để hỗ trợ công việc của tham tán chứ hiện nay ở mỗi nước chỉ có 2-3 người, công việc quá tải; mỗi thị trường đều có một trang web riêng của tham tán nước đó và cập nhật những thông tin mới nhất để doanh nghiệp trang bị thêm kiến thức chứ hiện nay thông tin các thị trường xuất khẩu chỉ gói trong trang web của Bộ Thương mại thì chưa tiện ích. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẵn sàng đóng các chi phí xúc tiến thương mại nhưng phải có hiệu quả.

Ngày 29/1, Hội nghị "Gặp gỡ giữa các tham tán thương mại Việt Nam tại các nước với các doanh nghiệp phía Nam" tổ chức tại TP HCM đã thu hút hơn 500 đại diện các các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp phía Nam tham gia.

Cuộc gặp gỡ này là sự trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các tham tán tại nước ngoài về những thuận lợi, khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Ông Phạm Gia Túc, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Đứng trước tiến trình hội nhập để tăng nhanh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu thì cần có sự  kết hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông Túc cũng đã đề xuất một số ý kiến với các tham tán và trưởng đại diện thương mại Việt Nam đó là: Phải có thông tin cơ chế kịp thời giữa tham tán với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và với từng doanh nghiệp về thị trường, khách hàng, thị hiếu tiêu dùng của nước ngoài.

Ngoài ra, do mới hội nhập kinh tế thế giới nên doanh nghiệp cần phải được tư vấn, hướng dẫn trong tiến trình thâm nhập thị trường các nước. Đặc biệt với các mặt hàng, thị trường mới, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp cũng cần được cung cấp các thông tin cảnh báo về các rào cản thương mại, các yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn, vệ sinh thực phẩm, các nguy cơ bị kiện chống bán phá giá… cũng như được hỗ trợ và bảo vệ trước các vụ kiện chống bán phá giá…

Cũng để tránh bị đối tác kiện chống bán phá giá thì doanh nghiệp Việt Nam cần phải có chiến lược về giá, đa dạng hóa sản phẩm và đặc biệt phải biết thủ tục về chống bán phá giá để chủ động tính toán và đối phó hiệu quả nhất

Thúy Hà
.
.
.