Doanh nghiệp Việt Nam, đối tượng của lừa đảo quốc tế

Thứ Hai, 27/12/2004, 07:30

Lợi dụng danh nghĩa đầu tư tài chính quốc tế để ký các hợp đồng cho vay vốn và bán phân đạm giá rẻ, một tổng giám đốc “tự phong” người Pháp đã dễ dàng “bắt” 2 doanh nghiệp Việt Nam nộp tiền đặt cọc, phí tư vấn và chiếm đoạt số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Đầu năm 2004, Công an Tp. Hà Nội nhận được đơn tố cáo một người đàn ông quốc tịch Pháp, tổng giám đốc một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đã lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam với thủ đoạn rất tinh vi. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã vào cuộc và 3 tháng sau đã ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam Sapa Lavelua, Tổng giám đốc Công ty PPI, cùng 3 đồng phạm.

Từ lời chào mời cho vay ưu đãi

Tháng 2/2002, Sapa Lavelua (sinh năm 1953), quốc tịch Pháp, nhập cảnh vào Việt Nam theo thư mời của Phân viện Nghiên cứu thương mại tại Tp.HCM, Bộ Thương mại. Tại đây, Lavelua gặp lại một người quen cũ của ông ta ở bên Pháp lúc này cũng đang có mặt ở Việt Nam là Phùng Mưng Lương (sinh năm 1939), người Việt quốc tịch Pháp. Lương về Việt Nam, lấy vợ Việt, tạm trú tại số nhà 220 phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm và có ý định làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Vì thế, Lavelua đã bổ nhiệm Lương giữ chức vụ Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty TNHH Đầu tư Thái Bình Dương và Polynesia (Polynesia & Pacific Investment Limited Company - viết tắt là PPI) do Sapa Lavelua làm Tổng giám đốc.

Tháng 9/2002, Lavelua thuê nhà của ông Lê Văn Cẩn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu ở số 140 Phan Chu Trinh, phường 2, Tp. Vũng Tàu, làm trụ sở công ty, đồng thời nhờ ông Cẩn làm thủ tục mở văn phòng đại diện ở đây. Nhưng ngay sau khi được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động và con dấu, Lavelua đã dông thẳng cái văn phòng đại diện này lên Tp.HCM hoạt động mà không trả lại giấy phép đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp.

Bắt đầu từ thời điểm này Lavelua đã có nhiều hoạt động dối trá nhằm khuếch trương thanh thế của PPI.  Lavelua đã mở rộng quan hệ, trực tiếp giao dịch với nhiều địa phương và doanh nghiệp Việt Nam. Với đối tác nào, Lavelua cũng giới thiệu rằng, PPI tại Vanuatu là một công ty có tiềm lực tài chính lớn. Rằng, công ty này trực thuộc Tập đoàn Luia Holding có trụ sở tại bang Nevada, Mỹ. Rằng, tập đoàn này trực thuộc một tập đoàn “mạnh” hơn là Sapa Lavelua Holding có trụ sở tại Wallis, Pháp.

Đến cuối năm 2002, Lavelua lại tìm thêm được 2 cộng sự đắc lực nữa tại Việt Nam, đó là Phạm Duy Luật (sinh năm 1955), trú tại Ngọc Lâm, Long Biên và Trần Huy Bình, (sinh năm 1954), trú tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1, Tp.HCM. Lavelua bổ nhiệm Bình làm Giám đốc điều hành PPI tại Việt Nam (phụ trách phía Nam), còn Luật làm Đại diện trưởng của PPI tại Việt Nam.

Để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của PPI, Trần Huy Bình đã đứng ra thành lập PPI Anh - Nga tại Tp.HCM. Sau đó Bình lại cùng Luật lập ra 3 công ty nữa là: Hải Phú Sơn (tại Hà Nội), Hải Phú Kim (tại Thái Bình) và Công ty Cổ phần Thương mại XNK Phú Sơn (tại Hải Phòng). Còn Lavelua thì cho đến tháng 6/2003 đã thành lập PPI Anh - Nga USA LLC tại Mỹ để nhằm khuếch trương vị thế cho PPI do Lavelua đứng đầu cùng các cộng sự: Phùng Mưng Lương, Phạm Duy Luật, Trần Huy Bình.

Trở lại ngón nghề làm ăn của PPI tại Việt Nam. Cuối năm 2002, công ty này tung ra một lời mời chào đầy hấp dẫn tới tất cả các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là, Tập đoàn tài chính xuyên Thái Bình Dương PPI cho các doanh nghiệp Việt Nam vay vốn dài hạn với số tiền từ 20 triệu USD trở lên, lãi suất 1,5% nhưng không tính lãi trong thời gian 3 năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn vay được vốn từ PPI theo phương thức trên phải được một trong 4 ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam bảo lãnh hoặc thông qua PPI để xin chứng thư bảo lãnh của một ngân hàng quốc tế.

Việc xin chứng thư bảo lãnh này sẽ do Công ty Hải Phú Sơn (chính là công ty do  Luật và Bình lập ra) đảm nhận và tất nhiên doanh nghiệp phải trả phí tư vấn cho Hải Phú Sơn. Điều kiện do Hải Phú Sơn đưa ra là nếu muốn có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng quốc tế thì doanh nghiệp phải nộp tiền đặt cọc bằng 30% trị giá vốn vay. Tuy nhiên, trong 30% này doanh nghiệp chỉ phải nộp trước 1,5%, còn lại 28,5% thì phía PPI sẽ hỗ trợ. Khá nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, đã vô cùng mừng rỡ khi được Trần Huy Bình và Phạm Duy Luật tung ra lời mời chào cho vay vốn đầy hấp dẫn này.

Cùng với cơ hội cho vay vốn ưu đãi, PPI còn tung ra một cơ hội hấp dẫn không kém nữa: PPI bán phân đạm với giá ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu. Cái giá “giật mình” do PPI đưa ra là từ 100 USD đến 110 USD/tấn, trong khi giá thị trường tại thời điểm đó là 140 đến 150 USD/tấn. Tuy nhiên, muốn mua được với giá này thì các doanh nghiệp phải nộp tiền đặt cọc cho PPI.

Với hai chiêu bài này, Lavelua ủy quyền cho Trần Huy Bình và Phạm Duy Luật với tư cách là đại diện của PPI tại Việt Nam  thực hiện việc giao dịch, tìm kiếm đối tác và ký hợp đồng với các doanh nghiệp có nhu cầu. Còn Lương, theo chỉ đạo của Lavelua, thì soạn thảo “Quy trình vay vốn" và “Quy chế vay vốn”.

Đến việc trả giá cho sự ngây thơ

Tin vào những chiêu quảng cáo của PPI, tháng 6/2003 bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Linh Dương (Lào Cai), đã đến gặp Phạm Duy Luật yêu cầu được vay 21 triệu USD với thời hạn 15 năm. Công ty Linh Dương cũng cam kết chấp thuận tất cả các điều kiện do PPI đưa ra như đã nói ở phần trên.

Sau đó, theo thỏa thuận này, Linh Dương đã nộp cho PPI tiền bảo lãnh vay vốn là 227.200 USD và tiền phí tư vấn là 63.000 USD, tương đương với 4,5 tỉ đồng VN. Số tiền này do Lương trực tiếp nhận. Tuy nhiên, do không làm thủ tục đăng ký hoạt động đầu tư tài chính với Việt Nam nên PPI không thể chuyển được số tiền này ra nước ngoài. Vì thế, PPI lại tiếp tục thực hiện một cú lừa nữa đối với Linh Dương bằng thủ đoạn chào bán phân đạm với giá rẻ để ký hợp đồng ngoại thương nhằm chuyển được tiền ra nước ngoài.

Một tháng sau, ngày 17/7/2003, Lương và Bình ký hợp đồng với nội dung: PPI bán phân đạm cho Linh Dương trị giá 15 triệu USD và ủy thác cho ngân hàng quốc tế bảo lãnh cho hợp đồng phân đạm này. Linh Dương phải nộp tiếp cho PPI 175.000 USD (tương đương khoảng 2,7 tỉ đồng) tiền đặt cọc hợp đồng nữa. Như vậy, tổng số tiền mà Linh Dương đã nộp cho Công ty PPI là khoảng 7,2 tỉ đồng.

Tương tự như Công ty Linh Dương, Công ty TNHH Phú Hải ở Hà Nội cũng có nhu cầu vay 23 triệu USD và cũng đã phải nộp cho PPI tiền đặt cọc bảo lãnh vay vốn là 58.000 USD và tiền phí tư vấn là 16.000 USD. Như vậy, tổng số tiền mà PPI đã thu được của 2 “đối tác” này là khoảng 8,3 tỉ đồng. Sau đó, theo hướng dẫn của Lavelua, hai cộng sự Luật, Bình đã gửi qua Mỹ cho ông ta tổng cộng 350.000 USD. Số tiền còn lại do Luật, Bình, Lương sử dụng.

Nộp tiền xong cho PPI, hai công ty Việt Nam cứ dài cổ trông ngóng cái ngày được  PPI rót vốn vay mà mãi không thấy. Cho đến đầu năm 2004, đoán chắc mình đã bị lừa nên các doanh nghiệp này đã gửi đơn tố cáo tới Cơ quan Công an. Kết quả xác minh của Văn phòng Interpol Việt Nam về tư cách pháp nhân và khả năng tài chính của PPI khiến 2 doanh nghiệp Việt Nam phải giật mình.

Công ty PPI được thành lập ngày 17/2/2000 theo luật về công ty quốc tế của Vanuatu. Tuy nhiên, ngày 8/3/2004, công ty này đã bị xóa tên trong danh sách đăng ký công ty. Cảnh sát Pháp cũng cho biết: “Tập đoàn Sapa Lavelua Holding và Công ty PPI không có tên trong hệ thống quản lý danh sách các công ty đăng ký hoạt động tại châu Âu. Công ty PPI LLC cũng không có trong hồ sơ quản lý các doanh nghiệp của bang Nevada, Mỹ. Như vậy, tất cả các công ty mà Lavelua đưa ra giới thiệu rằng PPI ở Việt Nam là thành viên đều là công ty “ma”. Kể cả Văn phòng đại diện của PPI tại Việt Nam cũng là văn phòng “ma” vì Sở Thương mại Hà Nội chưa hề cấp phép hoạt động cho văn phòng này.

Các tài liệu điều tra đã chứng minh rõ hành vi lừa đảo của Lavelua, Phùng Mưng Lương, Phạm Duy Luật và Trần Huy Bình. Vụ án lừa đảo nghiêm trọng này sắp được đưa ra xét xử và đây sẽ là bài học cảnh giác cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc làm ăn trên thương trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay

.
.
.