Doanh nghiệp Việt Nam chưa dám mạnh tay chống hàng giả

Thứ Sáu, 19/09/2014, 11:08
Các doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân khiến nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chưa giảm là do mức xử phạt còn quá nhẹ.

Đánh giá của Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh, tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) còn diễn biến phức tạp. Trong 7 tháng đầu năm 2014, QLTT TP đã phát hiện, kiểm tra 191 vụ buôn bán, sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền SHCN, tạm giữ 418.344 đơn vị sản phẩm và 294kg các mặt hàng: áo sơ mi, áo thun, đồng hồ, kính mắt, ba lô, túi xách, giày, amply, loa, mỹ phẩm… Các doanh nghiệp (DN) cho rằng, nguyên nhân khiến nạn hàng giả, xâm phạm quyền SHCN chưa giảm là do mức xử phạt còn quá nhẹ.

Điển hình, ngày 29/8, TAND quận 12 (TP Hồ Chí Minh) mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Trang (37 tuổi, ngụ Đồng Nai) 1 năm 6 tháng tù treo (quản thúc trong 3 năm tại địa phương) và Trần Quang Thanh (chồng Trang, 38 tuổi, ngụ Tây Ninh) 1 năm tù treo (quản thúc 2 năm tại địa phương) về tội “xâm phạm quyền SHCN”. Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH thời trang nón Sơn cho rằng: “Mức án như vậy là quá nhẹ, không đủ răn đe, công ty đang xem xét và có thể sẽ kháng cáo. Bởi vì việc sản xuất hàng giả của hai đối tượng này đã gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, uy tín thương hiệu nón Sơn. Nhiều khách hàng mua phải hàng giả đã đến Công ty khiếu nại khiến doanh số của công ty bị giảm mạnh, và nghiêm trọng hơn là niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu mà công ty đã dày công gây dựng đã bị giảm sút”.

Trong những vụ án liên quan đến việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, chúng tôi nhận thấy thường có sự tranh cãi gay gắt tang vật thu giữ được của cơ quan chức năng đối với các đối tượng vi phạm là hàng giả hoặc hàng nhái. Bởi vì, theo quy định tố tụng thì đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả thì bị xử lý về tội “buôn bán hàng giả” (điều 156 BLHS) sẽ nặng hơn đối tượng sản xuất, buôn bán hàng nhái (tội “xâm phạm quyền SHCN”). Chính vì vậy mà trong vụ án trên, đại diện Công ty Nón Sơn cho rằng, áp dụng tội “xâm phạm quyền SHCN” cho hai bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Trang và Trần Quang Thanh là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Đại diện Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thực tế cho thấy các DN có thương hiệu lớn, đặc biệt các DN nước ngoài rất kiên quyết chống hàng nhái, hàng giả và phối hợp rất tốt với cơ quan kiểm tra. Trong khi đó, phần lớn các DN Việt Nam bị các tổ chức, cá nhân khác làm nhái, làm giả thương hiệu của mình thì lại thường “bưng bít”, không phối hợp với cơ quan chức năng để làm đến nơi đến chốn vì lo ngại người tiêu dùng biết sản phẩm của mình bị làm giả sẽ tẩy chay luôn hàng thật”. Trước tình hình hàng nhái, hàng giả tràn lan trên thị trường, trong tháng 7 vừa qua,

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình bồi dưỡng kiến thức nhận diện hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ cho các cán bộ QLTT các quận, huyện, cán bộ nhân viên Ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện lợi. Đồng thời, Chi cục QLTT cũng đã phối hợp với Văn phòng luật sư A Hòa, Công ty REAC Việt Nam tổ chức tập huấn để phân biệt hàng giả, hàng thật đối với 11 nhãn hiệu độc quyền. Có 187 cán bộ QLTT, Công an, Hải quan, Thanh tra Sở Công thương tham dự

Thúy Hà
.
.
.