Doanh nghiệp FDI đang dần thâu tóm ngành dệt may, da giày

Thứ Năm, 05/09/2013, 08:31
Xuất khẩu Việt Nam trên danh nghĩa tăng gần 20%/năm nhưng thực tế 65% kim ngạch XK nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Dự kiến, cuối năm 2013, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đàm phán kết thúc thì ngành hưởng lợi nhiều nhất là dệt may, da giày. Thế nhưng, điều bất lợi ở chỗ là kim ngạch XK dệt may luôn đứng ở vị trí “top” dẫn đầu nhưng nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu. Đến thời điểm này, ngành dệt may vẫn chưa có chính sách đầu tư nào cho DN trong nước, trong khi các DN FDI đã “đón đầu” và đang xúc tiến các bước đều đầu tư tại Việt Nam...

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Da giày Việt Nam cho biết, với xuất khẩu (XK) ngành dệt may và da giày, Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào các nước trong khối TPP, đặc biệt Mỹ và Nhật. Như trong năm 2012, Việt Nam XK dệt may đạt 17,2 tỷ USD thì trong đó XK vào Mỹ và Nhật hơn 9 tỷ USD, chiếm khoảng 58%; XK ngành da giày đạt 8,7 tỷ USD, trong đó XK sang Mỹ và Nhật 3,6 tỷ USD, chiếm 41%. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là DN Việt Nam làm sao để hưởng các ưu đãi từ TPP?

Để được hưởng các ưu đãi thuế từ TPP, hàng dệt may XK phải tuân thủ  xuất xứ “từ sợi trở đi”, tức là các khâu: sợi, vải, may… tại các nước TPP. Với nguyên tắc này, dù thuế nhập khẩu (NK) vào các nước TPP giảm xuống còn 0% thì Việt Nam cũng không được hưởng lợi gì, do ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu hơn 80% nguyên liệu, chủ yếu từ Trung Quốc (không thuộc khối TPP).

Xuất khẩu dệt may luôn giữ vị trí cao trong “top” các  mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng phần lớn là của DN FDI.

Theo đánh giá của ông Diệp Thành Kiệt: “Ngành dệt may khoảng 9.000 DN nhưng có đến 70% là DN vừa và nhỏ. Còn ngành da giày, túi xách có hơn 20% là DN lớn nhưng DN FDI chiếm đa số, với giá trị XK hơn 75%. Hơn 70% DN còn lại chủ yếu là DN Việt Nam vừa và nhỏ, giá trị XK cũng chỉ chiếm hơn 20%. Với thực tế như vậy, liệu các DN Việt Nam có đủ sức cạnh tranh, coi chừng Việt Nam cuối cùng cũng chỉ làm công”.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất thương mại may Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) cũng cho rằng, cái được khi “hội nhập” là sẽ giúp DN có cơ hội tìm khách hàng (khách hàng tìm đến DN), DN lựa chọn khách hàng và tái cơ cấu thị trường XK. Trong nhiều năm qua, Garmex Sài Gòn phát triển là nhờ hội nhập. Năm 2013, công ty XK 50 triệu USD, mục tiêu sẽ XK 100 triệu USD vào năm 2018. Tuy nhiên, thách thức cũng không ít. Như trong năm 2013, ngành dệt may phát triển tốt, đơn hàng nhiều thì ngay lập tức xảy ra tình trạng các DN cạnh tranh nhau khốc liệt về nguồn nguyên liệu NK. Nếu như trước đây chỉ cần một tuần có hàng thì nay phải đợi đến một tháng mới có. Vì vậy, nếu DN không tự chủ được nguồn nguyên liệu thì dù tham gia TPP, ngành dệt may cũng chỉ làm gia công.

Nguồn: sgtt.

Cũng theo ông Lê Quang Hùng, cái khó nhất trong vấn đề này, là hiện nay không có địa phương nào chấp nhận cho xây dựng nhà máy nhuộm vì sợ ô nhiễm. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn này, thay vì để địa phương tự quyết định thì Nhà nước có thể đưa ra quy định chung về môi trường đối với các dự án nhà máy nhuộm. Có như vậy, DN mới mạnh dạn đầu tư. Vì vậy, việc có tận dụng được cơ hội hay không thì không chỉ còn là chuyện của DN mà còn là quyết tâm của Chính phủ.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cùng với TPP, cuối năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành, khi đó, thách thức đối với DN Việt Nam sẽ rất lớn vì không chỉ tự do hóa hàng hóa, dịch vụ mà còn cả vốn, lao động có kỹ năng. Ngoài ra, trong khu vực đang hình thành khu vực tự do mậu dịch ASEAN+6, dự kiến năm 2015 sẽ hoàn tất. Với việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại, nếu không cẩn thận thì khi mở cửa thị trường, Việt Nam có thể trở thành cứ điểm của các DN nước ngoài. Hiện nay, XK Việt Nam trên danh nghĩa là tăng gần 20%/năm nhưng thực tế 65% kim ngạch XK nằm trong tay các nhà đầu tư FDI.

Hiện nay, nhiều DN FDI thấy rõ điểm yếu của DN Việt Nam là thiếu nguyên phụ liệu sản xuất ngành dệt may trong nước. Vì vậy, các DN FDI đang thi nhau “nhòm ngó” vào thị trường Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có hơn 350 triệu USD vốn FDI được đổ vào ngành dệt may và sợi. Như KyungBang (Hàn Quốc), Texhong (Hồng Kông - Trung Quốc), Công ty Sunrise (Trung Quốc)...

Mới đây nhất, ngày 20/8, đoàn DN Mỹ sang Việt Nam đặt vấn đề muốn xây dựng một nhà máy sợi có quy mô lớn tại Việt Nam. Ông Lương Văn Lý, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn dự đoán, với tình hình hiện nay, sau khi ký TPP xong sẽ có nhiều DN Việt Nam chấm dứt hoạt động. Bởi vì lâu nay, DN chỉ quan tâm việc đưa hàng đi XK thì nay DN nước ngoài sẽ đến ngay tận “sân nhà” để cạnh tranh với mình, trong khi hiện nay nhiều DN chưa tính phương án tự “cứu” mình. Ông Lý cho rằng, vấn đề của DN hiện nay là phải nắm thông tin, nắm bắt xu hướng đàm phán để có sự chuẩn bị. Bên cạnh đó, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và các hội ngành nghề nên tổ chức tập huấn để trang bị tốt cho DN trước khi hội nhập

Thuý Hà
.
.
.