Chênh lệch giá làm lộ diện vấn nạn buôn lậu vàng?

Chủ Nhật, 25/04/2021, 16:15
Đây là nghi ngại mà Viện Nghiên cứu Chính sách VEPR đặt ra khi bàn về giá vàng thời gian qua tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2021 vừa được tổ chức này công bố gần đây. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang củng cố một sự thực về vấn nạn buôn lậu vàng mà trước đến giờ vẫn là câu hỏi của nhiều người.

Trong khi giá vàng liên tục mất giá trên thị trường thế giới vào Quý I/2021, xu hướng giá vàng trong nước lại được giữ ổn định, dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và trên thế giới liên tục tăng lên. Mức chênh lệch đạt mức cao nhất 8,2 triệu đồng/lượng vào 8/3/2021. Cho đến thời điểm này, dù mức chênh lệch giá có giảm chút ít, quay quanh mốc 7 triệu đồng/lượng, song so với tính toán của các chuyên gia là mức chênh vào khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng là hợp lý, thì rõ ràng giá vàng trong nước đang một mình một chợ, bất chấp đà tăng giảm của thị trường thế giới.

“Giá vàng trong nước liên tục chênh lệch cao so với giá vàng trên thế giới do nguồn cung trở nên khan hiếm sau khi chính phủ siết chặt quản lý đường biên để ngăn chặn dịch COVID-19, trong khi nhu cầu mua vàng vẫn tăng như một tài sản lưu giữ giá trị. Điều này đặt ra nghi vấn phải chăng trước đây một phần lớn nhu cầu vàng trong nước tăng vẫn thường được đáp ứng thông qua các kênh nhập vàng phi chính thức”, các chuyên gia VEPR đặt câu hỏi.

Chênh lệch vàng nội ngoại tăng cao gây gia tăng nạn buôn lậu.

Thực tế, thị trường kim loại quý thi thoảng lại nóng lên bởi các vụ buôn lậu được các cơ quan chức năng “khui" ra, với những kỷ lục sau xô đổ kỷ lục trước. Số lượng buôn lậu vàng bị phát hiện có vụ đã lên đến nhiều yến. Từng có thời điểm, buôn lậu vàng hoạt động rầm rộ đến mức mỗi năm lên đến gần 50 tấn vàng lậu được tuồn vào biên giới (Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước -NHNN, năm 2003 ước tính có khoảng 10 tấn vàng được nhập khẩu chính thức, trong khi theo Hội đồng Vàng thế giới, bình quân mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 58 - 60 tấn vàng).

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho rằng các vụ bắt được vàng lậu ở các tỉnh từ bắc đến nam là những vụ “sờ” được. Còn những vụ không phát hiện, thì vàng lậu cứ tuồn thẳng vào Việt Nam. Vì theo nguyên tắc khi có chênh lệch giá, thị trường có nhu cầu mà không đáp ứng được tất sẽ phát sinh buôn lậu.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhìn nhận nguyên lý tất yếu của thị trường là có cầu thì tất có cung. Các doanh nghiệp thời gian qua không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nên phải mua hàng trôi nổi trên thị trường hoặc mua vàng miếng SJC để sản xuất nữ trang. Nhưng mua vàng SJC để sản xuất nữ trang thì đắt nên hàng lậu càng có cơ hội tuồn vào kênh này.

Được biết, theo quy định của pháp luật, để có đủ điều kiện nhập khẩu vàng cần phải thỏa mãn các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do NHNN cấp. Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp với kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Có vốn pháp định tối thiểu là 5 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh có lãi trong 5 năm liền kề. Không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông tin trên thị trường trong thời hạn 12 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp và cho đến thời điểm cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Như vậy, điều kiện để nhập khẩu vàng rất chặt chẽ, không phải ai cũng có thể nhập khẩu vàng bởi mặt hàng này có tác động khá lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô của quốc gia. Các đối tượng buôn lậu vàng bởi vàng là mặt hàng kim loại quý dễ vận chuyển, có tính thanh khoản cao, mang lại lợi nhuận lớn bởi họ sẽ trốn được các loại thuế của nhà nước.

Trở lại với câu chuyện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, từ góc độ chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực cho rằng sự chênh lệch này chủ yếu do chi phí vàng ở trong nước cao, các chi phí này bao gồm công chế tác, thuế nhập khẩu và các loại chi phí giao dịch, kinh doanh… Một phần, do có sự chênh lệch như vậy các nhà đầu tư tại Việt Nam nên không coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng.

Bên cạnh đó, hiện vàng là loại tài sản đang được Nhà nước quản lý chặt chẽ và ổn định giá. Chỉ có NHNN được phép xuất nhập khẩu vàng nên nhu cầu về đầu cơ vàng của Việt Nam là tương đối thấp. Tuy nhiên, với tâm lý tích trữ, trong thời điểm nhiều rủi ro biến động như hiện nay, vàng vẫn đang được nhiều người Việt Nam dùng làm tài sản cất giữ- điều này đẩy cầu tăng cao dẫn đến nguồn cung không chính thức ngày càng phát triển. Hệ lụy của việc buôn lậu vàng, ngoài thất thu thuế, gây vàng hóa, còn có tác động trực tiếp tới giá ngoại tệ, trực tiếp là đồng USD.

Công ty Chứng khoán SSI trong một báo cáo đã nhận định đồng USD tăng có thể do chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang ở mức rất cao. Tức, người dân mang vàng buôn lậu bán lấy VND, sau đó dùng VND đổi sang USD để ra nước ngoài mua vàng và tiếp tục buôn lậu. Hiện tượng buôn lậu càng nhiều thì nhu cầu đổi ngoại tệ càng lớn, nhu cầu lớn khiến giá USD tự do tăng cao. Trước thực tế này, mới đây Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế.

Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị NHNN xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại. Đồng thời đề nghị thống đốc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ…

Hà An
.
.
.