Đầu tư xây chợ để... ngắm

Thứ Sáu, 19/01/2007, 13:48

Với mục đích đẩy mạnh giao lưu buôn bán, thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn, UBND huyện Hoà Vang, Đà Nẵng đã đầu tư kinh phí để xây dựng hàng loạt chợ. Chợ nhỏ có vốn vài trăm triệu đồng, có chợ xây dựng lên đến trên cả tỷ đồng. Nhiều chợ xây xong nhưng tiểu thương và người dân không vào.

Ngày chợ Hoà Nhơn thuộc xã Hoà Nhơn, Hoà Vang, tổ chức khánh thành với trống mở cờ dong, hàng ngàn người dân Hoà Nhơn và các xã lân cận vui mừng đến chợ.

Chợ Hoà Nhơn được đầu tư 1,2 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách của huyện Hoà Vang là 1,1 tỷ đồng và xã Hoà Nhơn 105 triệu đồng. Công trình được đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng này dự kiến đủ cho 100 hộ buôn bán với hai phần nhà rộng rãi được khánh thành từ tháng 8/2004.

Theo chủ trương của xã, các tiểu thương nếu vào chợ buôn bán sẽ được chính quyền làm giấy đăng ký thuê với giá tiền quầy chính 4 triệu, quầy phụ 2 triệu. Chỉ trong một thời gian ngắn, chợ Hoà Nhơn đã hết chỗ (trên giấy) để tiểu thương đăng ký buôn bán.

Song "ngày vui ngắn chẳng tày gang", hàng loạt tiểu thương đăng ký kinh doanh trong chợ Hoà Nhơn thi nhau xin rút giấy phép kinh doanh bởi vì chợ không có người. Qua hai năm đưa vào sử dụng, chợ Hoà Nhơn chỉ còn lại 9 hộ kinh doanh buôn bán. UBND xã Hoà Nhơn đã nhiều lần đi vận động tiểu thương và người dân vào chợ buôn bán nhưng chợ vẫn vắng như chùa "Bà Đanh".

Chợ được đầu tư tiền tỷ thì bỏ không, trong lúc đó nhiều chợ tự phát mọc lên ở Hoà Nhơn lại rất đông tiểu thương và người dân đến buôn bán. Chợ tự phát cầu Giăng cách chợ mới xây không xa nhưng đông đảo bà con họp chợ mỗi ngày mặc dù đã bị UBND xã treo biển cấm họp chợ. Vì sao tiểu thương và người dân Hoà Nhơn không mặn mà với chợ?

Chị Đỗ Thị Kế - tiểu thương chợ Hoà Nhơn cho rằng: Chợ xây không phù hợp, cả chợ Hoà Nhơn chỉ có một cổng chính đi ra đi vào rất chật chội, bên cạnh đó chợ được xây dựng kín quá, ngay trước cổng chợ UBND xã cho xây 10 kiốt choán ngự mặt tiền của chợ nên hai năm qua cũng chỉ có 9 hộ bán ở kiốt còn trong chợ chẳng ai muốn vào, đâm ra chợ bỏ trống.

Ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hoà Nhơn, khẳng định: "Chợ Hoà Nhơn xây mới vẫn có hiệu quả, trước mắt có khoảng 30 người họp chợ...". Với chừng ấy người, chúng tôi thực sự không hiểu "tính hiệu quả" mà Chủ tịch UBND xã Hoà Nhơn nói đến là "hiệu quả" gì.

Bên cạnh chợ Hoà Nhơn thì chợ được xây dựng ở xã Hoà Bắc cũng minh chứng cho sự đầu tư lãng phí và không hiệu quả. Đã 6 năm tính từ ngày chợ xây xong vẫn chưa một ngày có người dân đến chợ.

Nguồn vốn đầu tư 197 triệu đồng, trong đó 70% là nguồn vốn của RIDEF (Quỹ phát triển CSHT nông thôn của LHQ) cùng với 30% của chính quyền địa phương và người dân đóng góp. Ngày chợ chính thức đưa vào sử dụng, lãnh đạo xã đã phải đi vận động bà con vào chợ buôn bán, nhưng người dân thấy ngại và thích bán buôn ở chợ trời tự họ chọn địa điểm phù hợp...

Qua khảo sát và tìm hiểu vấn đề chúng tôi nhận thấy, việc đầu tư xây dựng hệ thống chợ cho các xã như chủ trương của huyện Hoà Vang thực sự chưa cần thiết.

Thứ nhất lượng dân cư của các xã ở Hoà Nhơn không nhiều, lẽ ra huyện và chính quyền địa phương các xã nên họp bàn với nhau mở các chợ liên xã để tránh đầu tư dàn trải không hiệu quả.

Bên cạnh đó, khi xây dựng chợ và các công trình phúc lợi xã hội, chính quyền địa phương nên lấy ý kiến tham khảo người dân để xây dựng phù hợp. Hoà Vang còn nghèo, đời sống đại bộ phận dân cư còn thấp, việc đầu tư các chợ lên đến tiền tỷ để phơi nắng, phơi mưa là một việc làm lãng phí không thể chấp nhận

Dương Sông Lam
.
.
.