Dân lao đao vì tôm chết hàng loạt

Thứ Hai, 25/05/2009, 14:41
Chưa kịp mừng vì vụ nuôi tôm đầu tiên của năm 2009 đã đi hơn một nửa thời gian khá bình yên. Bất ngờ đến thời điểm giữa vụ, tôm bị bệnh chết hàng loạt, làm hàng trăm hộ dân ở Quảng Ngãi trắng tay và không ít người lâm vào cảnh "nợ chồng nợ".

Cùng các cán bộ của Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, Tỉnh hội Quảng Ngãi, chúng tôi về xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, địa phương bị dịch bệnh nặng nhất của Quảng Ngãi.

Ông Trần Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ thở dài: Vụ tôm đầu tiên năm nay, người dân trong xã đã thả nuôi tổng cộng khoảng 40,5ha/59ha, thì số tôm bị dịch bệnh chết trên 26,5ha, chiếm gần 65,5% diện tích.

Đưa tay chỉ vào vuông tôm gần 10 sào (500m2/sào) của gia đình đang phơi mình lặng lẽ dưới nắng, chị Lê Thị Trang buồn bã nói: Vào đầu năm, gia đình đã mua thả nuôi khoảng 40 vạn tôm giống thẻ chân trắng, với tổng số tiền hơn 12 triệu đồng. Thời gian đầu thì tôm vẫn phát triển bình thường nên mừng lắm. Đột nhiên khoảng 2 tháng sau đó, tôm bị bệnh và chết hàng loạt. Hiện hồ đã được dọn và xử lý, thế nhưng gia đình vẫn chưa dám thả.

Đại diện chính quyền địa phương cho biết: Có hơn 82 hộ nuôi tôm khác trong xã cũng lâm vào tình cảnh này. Theo chính quyền Sơn Tịnh thì toàn huyện có tổng diện tích nuôi tôm khoảng 187ha, trong đó tôm nuôi ở vùng triều chiếm 99,5%, phân bố chủ yếu ở các xã ven biển: Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, Tịnh Hòa...

Kĩ sư Đặng Thanh Học, Phó phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh nhận định: Dịch bệnh chỉ xảy ra ở số diện tích vùng triều, còn số nuôi trên cát không, hoặc bị rất ít. Nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh ở tôm trong vụ nuôi vừa rồi là do thời tiết chuyển đổi bất thường, dẫn đến sự chênh lệch biên độ trong ao nuôi và bên ngoài giữa ngày và đêm lớn. Ngoài ra chính sự phát triển ồ ạt theo kiểu "mạnh ai nấy làm"; cơ sở hạ tầng kém; môi trường ô nhiễm; mật độ tôm thả nhiều nơi từ 100-120 con/m2 gần gấp đôi so với quy định... đã làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và khó ngăn chặn. Một tồn tại khác là chất lượng tôm giống quá kém.

Kĩ sư Bùi Hữu Chỉnh, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư - Sở NN&PTNT tỉnh bày tỏ: Hầu như năm nào cũng vậy, trước vụ nuôi Chi cục cũng đã khuyến cáo người dân tuân thủ các quy định về thời gian, mật độ tôm nuôi, lựa chọn con giống; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, triển khai các mô hình luân canh, xen canh vật nuôi, như: Tôm-cá-tôm; tôm-cua-tôm... thế nhưng nhiều người nuôi vẫn không tuân thủ, áp dụng.

Bên cạnh đó không ít trường hợp nuôi theo kiểu "lấy được", thiếu ý thức cộng đồng, chưa nắm vững kĩ thuật... dẫn đến tôm bị dịch bệnh liên tục. Mặt khác, tuy là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn ở miền Trung, thế nhưng hiện trên địa bàn tỉnh thiếu trầm trọng các cơ sở sản xuất tôm giống đảm bảo.

Không phải chỉ một vài hộ và giới hạn ở Tịnh Kỳ, mà nhiều vùng tôm khác ở các huyện Đức Phổ, Bình Sơn... cũng xảy ra tình trạng dịch bệnh tôm chết hàng loạt làm hàng trăm hộ nuôi gặp hết sức khó khăn. Vì thế các cấp ngành chức năng của tỉnh cần sớm đưa ra giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh, tạo sự phát triển bền vững cho con tôm ở Quảng Ngãi

C.Nguyễn
.
.
.