Dân Thủ đô tích hàng Tết, tạo tâm lý sốt giá ảo

Thứ Hai, 06/12/2010, 11:54
Do lo ngại về sự biến động giá trong thời gian qua, nhiều người tiêu dùng ở Hà Nội đã mua hàng về dự trữ Tết, gây tâm lý sốt hàng giả tạo, đẩy giá thành nhiều mặt hàng tăng.
>> Hà Nội chưa chống được tăng giá kiểu "té nước theo mưa"

Ở một số chợ đã có hiện tượng khan hiếm hàng khô như măng, miến, nấm hương, dầu ăn, bánh kẹo… là những mặt hàng dự trữ được lâu. Giá hàng khô này được tăng lên theo tuần, nhất là một số người kinh doanh kêu hết hàng hoặc giá cao chưa nhập về càng đẩy người tiêu dùng đến tâm lý dự trữ hàng hoá.

Chị Dung ở phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ cho biết: "Do lo giá sẽ tăng, tôi đã mua cả thùng dầu ăn lên tới 30 lít tại Metro với mức giá rẻ hơn so với ngoài thị trường 6.000 đồng/lít. Những mặt hàng để lâu được như đường, bột canh, bánh kẹo tiện thể tôi mua luôn để đến Tết".

Giống chị Dung, một số người tiêu dùng đã có tâm lý dự trữ hàng hoá Tết từ bây giờ đã vô hình trung tạo cho một số mặt hàng sốt ảo. Ở những siêu thị lớn như Big C, Hapro, Metro…, chúng tôi gặp không ít cảnh người tiêu dùng chất đầy hàng hoá trên xe chở hàng nhằm phòng xa việc tăng giá cuối năm. Mặt hàng mua dự trữ nhiều nhất vẫn là nhóm đồ khô để được lâu, không ít người đã dự trữ cả đồ uống như trà, cà phê, sữa, nước ngọt…

Đồ uống các loại cũng được người tiêu dùng mua dự trữ.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thì thành phố đang thực hiện kế hoạch cung ứng hàng hoá cho Tết Nguyên đán, đã giao cho các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi lo đủ nguồn hàng, đặc biệt là vận động các doanh nghiệp khác chuẩn bị lượng hàng hoá lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Giá thịt lợn vừa qua tăng mạnh một phần là ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai miền Trung nhưng một phần là do yếu tố tâm lý, thấy các hàng hoá khác tăng thì người kinh doanh cũng tăng theo chứ không phải thiếu thịt lợn.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết: "Đến nay, Tổng Công ty đã dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán, đặc biệt là 9 nhóm mặt hàng thiết yếu gấp 3 lần chỉ tiêu của thành phố giao. Cụ thể đã dự trữ 1.500 tấn gạo, 148 tấn thịt gia súc, 295 tấn thịt gia cầm, 6,6 triệu quả trứng, 303 tấn thủy hải sản, 639 tấn thực phẩm chế biến sẵn, 99 nghìn lít dầu, 99 tấn đường và 2.210 tấn rau, củ. Chúng tôi sẽ cố gắng giữ giá bán cạnh tranh với thị trường vì đây là những mặt hàng đã dự trữ trước".

Theo khẳng định của Sở Công Thương thì hàng hóa hiện nay không hề thiếu, nhất là các mặt hàng thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn giá của thành phố. Chính vì vậy người tiêu dùng không nên lo lắng và không nhất thiết phải dự trữ hàng hoá vì như vậy càng gây nên sự khan hiếm giả tạo,  tạo cơ hội cho việc đẩy giá thành lên cao

Trần Hằng
.
.
.