Đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới 4%

Thứ Bảy, 03/07/2021, 06:39
Đây là nhận định đáng chú ý được đưa ra tại buổi Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021, do Viện Kinh tế Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 2/7.

Theo đó, Cục Quản lý giá dự báo, về mặt con số thì rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn, nên CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm dưới 4%. Do vậy, việc kiểm soát bình quân cả năm 2021 ở mức 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.

Năm 2021 đã đi được nửa chặng đường nhiều khó khăn, thử thách khi dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát và tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn duy trì mức lạm phát thấp nửa đầu năm.

Tổng cầu yếu cũng là nguyên nhân dẫn đến lạm phát thấp.

Cụ thể, số liệu Tổng cục Thống kê công bố CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47%; lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính - nửa đầu năm 2021, CPI bình quân tăng chủ yếu do giá xăng dầu, giá dịch vụ giáo dục, giá gạo, giá vật liệu xây dựng tăng…

Tuy nhiên, các nguyên nhân góp phần kiềm chế tốc độ tăng của CPI 6 tháng đầu năm, như: giá các mặt hàng thực phẩm; Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; nhu cầu đi lại của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh…

Việc lạm phát duy trì mức thấp nửa đầu năm, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đây là điều kiện thuận lợi để tạo dư địa kiểm soát lạm phát cả năm đạt mục tiêu.

“Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, vì áp lực lạm phát tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm. Mặc dù đang ở mức thấp song CPI đang tăng dần. Giá nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất 6 tháng tăng mạnh 4,79% là mức cao nhất từ năm 2013 đến nay” - ông Ngô Trí Long cảnh báo và cho rằng vẫn còn nhiều tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương bị ảnh hưởng.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, mặc dù những tháng đầu năm CPI đã có những con số tương đối yên tâm so với mục tiêu cả năm 2021, nhưng cũng không thể chủ quan với những diễn biến còn hết sức phức tạp của 6 tháng cuối năm.

"Riêng đối với Việt Nam, vì sự phụ thuộc 70-80% vật tư, năng lượng, nguyên nhiên liệu cho sản xuất kinh doanh để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu nên chắc chắn sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng trong những tháng cuối năm 2021 và một số năm tiếp theo", ông Vũ Vinh Phú nói và chỉ ra một số yếu tố khác phải quan tâm đó là: Các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp của các nước, trong đó có Việt Nam dễ dẫn tới đẩy lạm phát tăng lên; Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa được kết nối lại là yếu tố tiếp tục làm cho chi phí vận chuyển logistics đứng ở mức cao, khiến cho giá cả hàng hoá, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu chưa thể giảm giá theo mong muốn.

Dự báo CPI cuối năm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - đưa ra 2 kịch bản cho CPI năm 2021.

Theo ông, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm tăng ở mức 6,8 - 7% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ ở khoảng 3,3 - 3,5%. Tuy nhiên, nếu kinh tế tăng trưởng ở mức 7,0 - 7,4% thì khả năng lạm phát sẽ ở mức 3,8 - 4,0%. Còn TS. Nguyễn Đức Độ-Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính- nhận định, tổng cầu yếu do COVID-19 là nguyên nhân cơ bản giữ cho lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao.

“Mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% trong năm 2021 chắc chắn sẽ đạt được” - ông Nguyễn Đức Độ nhận định và tính toán nếu tốc độ tăng giá được duy trì trong thời gian còn lại của năm mỗi tháng khoảng 0,27%, thì lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ mức 2,41% hiện nay lên mức 3,28% vào tháng 12/2021, đồng thời lạm phát trung bình của cả năm sẽ ở mức 2,12%.

Còn trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12/2021 sẽ ở mức 4,71%, nhưng lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%.

Cục Quản lý giá dự báo, về mặt con số thì rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn, nên CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm dưới 4%. Do vậy, việc kiểm soát bình quân cả năm 2021 ở mức 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội giao mà cần phải được đặt ra trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chống dịch và là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền lạm phát cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới 2022.

Hà An
.
.
.