Đắk Lắk: Quy hoạch 7.915ha để phát triển thành vùng nguyên liệu mía đường
Đây là những vùng đất xám bạc màu, pha cát, có khí hậu phù hợp với cây mía mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác.
Hiện nay, ngoài việc chăm sóc tốt trên 3.000 ha mía lưu gốc lần 2, tập trung trên địa bàn hai huyện Ea Kar, Ma Đ'Rắc, Công ty cổ phần Mía đường 333 còn tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn chuyển phần lớn diện tích lúa rẫy, ngô, đậu kém hiệu quả kinh tế sang trồng mới 2.000 ha mía.
Công ty cũng đầu tư cho bà con nông dân các dân tộc các giống mía mới có năng suất cao như: K84, R570, ROC 25, ROC 26... Công ty còn hỗ trợ vốn cho cho các hộ trồng mía luôn cao hơn các doanh nghiệp mía đường khác từ 15 đến 20%; đồng thời, ký hợp đồng thu mua mía lâu dài và cao hơn so với giá thị trường từ 20% trở lên.
Công ty cử cán bộ kỹ thuật về từng vùng trồng nguyên liệu tổ chức hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh mía từ khâu làm đất, chọn giống, trồng đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để đạt năng suất cao. Công ty cổ phần Mía đường 333 còn đầu tư vốn cho các địa phương xây dựng các công trình thuỷ lợi, làm đường giao thông về từng vùng nguyên liệu mía nhằm phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, thâm canh cây mía.
Công ty cổ phần Mía đường 333 hiện đang đầu tư vốn nâng cấp các dây chuyền, thiết bị, công nghệ tăng công suất từ 800 tấn mía cây/ngày tăng lên 2.500 tấn mía cây/ngày nhằm tiêu thụ hết mía nguyên liệu trong vùng, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn