DN trong nước lao đao vì đường nhập lậu

Thứ Hai, 30/09/2013, 14:15
“Lượng đường tồn kho nhiều trong khi đường nhập lậu vẫn ồ ạt tràn vào thị trường nội địa khiến các doanh nghiệp (DN) trong nước đang đối mặt với khó khăn”. Đó là vấn đề mà các DN ngành mía đường bức xúc tại buổi tọa đàm do Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức vào ngày 29/9.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2012/2013 lượng đường dư thừa là trên 400.000 tấn do cung vượt cầu. Ngay từ đầu vụ, Hiệp hội mía đường và Bộ NN&PTNT dự báo tổng nguồn cung lớn nên đã đề nghị Bộ Công Thương cho xuất khẩu tiểu ngạch 300.000 tấn đường (trên tổng số dư ước trên 400.000 tấn).

Tháng 3/2013, Bộ Công Thương giải quyết cho xuất dự kiến không quá 200.000 tấn đường RS (không cho xuất đường RE) trong thời gian đến hết tháng 6. Nhưng gia hạn đến hết tháng 7, theo thông báo của UBND tỉnh Lào Cai, thì lượng đường xuất khẩu chỉ đạt 123.713 tấn. Hiệp hội Mía đường và UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương cho gia hạn tiếp xuất khẩu tiểu ngạch đến cuối năm 2013 và chủng loại đường gồm cả 2 loại RE và RS. Đến nay, vẫn chưa thấy Bộ Công Thương phản hồi. Tính đến 20/9/2012, lượng đường tồn kho 208.589 tấn, (phần lớn là RE) tại các nhà máy đường và 10.494 tấn tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội.

Đường trong nước khó cạnh tranh với đường nhập lậu do giá cao.

Ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho biết: Hai nguồn đường tham gia vào thị trường Việt Nam là đường sản xuất từ mía của nông dân khoảng 1,5 triệu tấn và khoảng 72.500 tấn đường nhập khẩu chính ngạch do gia nhập WTO. Đó là chưa kể lượng đường nhập lậu, đường gian lận thương mại tại thị trường nội địa gây nên nguồn cung dư rất lớn, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 1,3 - 1,35 triệu tấn.

Ông Lê Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Đường Lam Sơn cho rằng: Để đẩy lượng hàng tồn thì DN phải cạnh tranh với đường nhập lậu. Hiện nay, giá đường nhập lậu 12.700 – 12.800đ/kg, vì vậy để tiêu thụ được thì giá đường trong nước phải thấp hơn 500đ/kg. Nhưng, giá thu mua mía nguyên liệu của các DN trong nước là 50 USD/tấn, trong khi giá nguyên liệu của các nước nhập lậu đường vào Việt Nam (như Thái Lan) chỉ có 30 USD/tấn. Vì thế, giá đường do các DN trong nước bán không thể nào thấp hơn giá đường nhập lậu.

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường thừa nhận, “nạn” đường lậu và gian lận thương mại đang hoành hành, đặc biệt là đường nhập lậu tại biên giới Tây Nam, tỉnh An Giang quá lớn. Với xuất xứ đường lậu từ Thái Lan có lợi thế về giá và trốn thuế nên đường sản xuất trong nước không thể cạnh tranh được và đường nhập lậu lại là đường luyện Thái Lan nên gây áp lực rất lớn cho việc tiêu thụ đường RE trong nước.

Cả nước có 41 nhà máy đường, mỗi năm nộp ngân sách khoảng 2.000 tỷ đống. Tuy nhiên, với tình hình đường nhập lậu chiếm đến 1/3 thị trường như hiện nay thì DN không thể cạnh tranh công bằng. Ông R.Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam ở Phú Yên đề xuất: Nhà nước cần có chính sách ngăn chặn triệt để đường nhập lậu; không sử dụng cấp quota trong trường hợp đường trong nước quá đủ; kiến nghị xem việc tạm nhập tái xuất vào Việt Nam có đúng theo quy định hay không? Ngoài ra, Hiệp hội tập hợp các thành viên để lấy ý kiến chung để tháo gỡ vấn đề khó khăn trên.

Theo dự báo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong vụ tới 2013/2014, sau khi cung ứng thị trường thì lượng đường dư thừa của các nhà máy là 500-600 ngàn tấn (chưa kể đường lậu tham gia thị trường). Điều này cũng đồng nghĩa với việc DN tiếp tục đối mặt với khó khăn về nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại chưa ngăn chặn được; tiêu thụ kém, giá đường thấp (sẽ khó giữ được giá mía nguyên liệu cho nông dân) và lượng tồn kho cao.

Theo các DN, giải pháp để giải quyết khó khăn trước mắt, đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, không hạn chế chủng loại, số lượng. Đặc biệt, phải kiên quyết chống buôn lậu, chủ yếu là biên giới thuộc Châu Đốc - An Giang; đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ đường tạm nhập tái xuất

Thúy Hà
.
.
.