ĐBSCL gặp thách thức lớn do biến đổi khí hậu

Thứ Sáu, 30/10/2020, 16:54
Nước biển dâng là thách thức lớn nhất của ĐBSCL. Nước biển dâng cao 100cm, khoảng 38% diện tích có nguy cơ ngập. Các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%).

Ngày 30/10, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, phân hiệu Vĩnh Long tổ chức hội thảo “Chính sách thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL”.

Hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu, khoa học đến từ các viện, trường và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ ra nhiều thách thức hiện tại và trong tương lai đối với vùng ĐBSCL do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. 

Sạt lở đất bờ sông cuốn trôi nhà cửa của người dân.

ĐBSCL nơi cư trú, sản xuất của gần 20 triệu người dân, mỗi năm góp khoảng 28 triệu tấn lương thực, thực phẩm. Theo GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, vừa qua xâm nhập mặn với nồng độ 4‰ xâm nhập sâu vào hơn 100km dẫn đến hàng chục ngàn hecta lúa bị mất trắng. Các hậu quả này chủ yếu của các hình thái biến đổi khí hậu, lượng mưa giảm và nước biển dâng.

PGS-TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu phân tích, nước biển dâng là thách thức lớn nhất của ĐBSCL. Nước biển dâng cao 100cm, khoảng 38% diện tích có nguy cơ ngập. Các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%). Ngoài ra, xói lở bờ sông, bờ biển và giảm dòng chảy mùa khô là những vấn đề rất đáng lo ngại. 

ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức. 

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng cho rằng để ứng phó với các thách thức trên, vùng ĐBSCL phải tái cơ cấu lại cây trồng, tìm giải pháp thích nghi và cụ thể là phát triển các giống lúa có khả năng chịu lụt, mặn, nắng nóng để giảm nhẹ tổn thất về đất đai, năng suất và sản lượng.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) phân tích, từ tháng 8 đến tháng 10 thì ngập lũ. Còn tháng 1 đến tháng 4 thì xâm nhập mặn, hạn hán. Để ứng phó với những tình huống xảy ra trong hiện tại và tương lai đối với ĐBSCL cần có quy hoạch chuyển đổi sản xuất, bố trí những ngành nghề phù hợp, căn cơ và bền vững. 

Chính phủ, Trung ương và địa phương cần có quyết sách cho người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vay vốn ưu đãi, có chương trình đặc biệt hỗ trợ cơ sở hạ tầng, thiết bị, giống mới và tìm kiếm thị trường. 

Vùng ĐBSCL cần phải tái cơ cấu lại cây trồng, giảm thiểu thiệt hại.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, năm nay hiện tượng La Nina trở lại đặc biệt gây ra trận bão lớn bất thường hơn, làm cho người dân miền Trung ứng phó không kịp. Cùng với đó tác động khác như phá rừng, làm thuỷ điện. Chính điều này nên khi mưa nhiều, cộng thêm thuỷ điện xả lũ làm đất trên núi ngâm nước, đất nhão đi và mất ổn định, gây ra hiện tượng sạt lở núi. 

PGS-TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh nếu không có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người dân vùng dưới chân núi sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường. Giải pháp tạm thời là đánh dấu những nơi có nguy cơ sạt lở núi và di dời dân đến nơi an toàn.

Văn Vĩnh
.
.
.