Công ty thép Thành Lợi… quá lợi!

Thứ Tư, 17/09/2008, 19:56
Như tin đã đưa, toàn bộ lô hàng sắt, thép phế liệu nhập khẩu trái phép của Công ty Cổ phần Thép Thành Lợi đã được nhập vào TP Đà Nẵng, thực hiện thiêu hủy phần hàng có chứa chất độc hại và bẩn theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng thay vì buộc tái xuất như yêu cầu của Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) trước đó. Điều này đã buộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ ngành liên quan phải vào cuộc tiếp tục điều tra, làm rõ.
>> Vụ 434 tấn sắt phế liệu "bẩn": Quatest 2 làm ẩu

Ngày 16/9, Đoàn công tác của Bộ TN&MT gồm Cục Bảo vệ Môi trường, Cục Cảnh sát môi trường (C36) đã có buổi làm việc với Sở TN&MT TP, Cục Hải quan Đà Nẵng và Công ty Thép Thành Lợi về lô hàng 1.000 tấn thép phế liệu “bẩn”.

Theo đó, Đoàn tiến hành thu thập toàn bộ hồ sơ vụ việc, làm cơ sở để Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Cục Bảo vệ Môi trường, Cục Cảnh sát môi trường (C36) làm việc với UBND TP Đà Nẵng vào ngày 18/9 về hướng xử lý mà UBND TP Đà Nẵng đã tiến hành đối với lô hàng nêu trên.

Công ty Cổ phần Thép Đà Nẵng - Ý- Khu Công nghiệp Hòa Khánh - TP Đà Nẵng là nơi xử lý, phân loại toàn bộ lô hàng sắt, thép phế liệu nhập khẩu trái phép của Công ty Cổ phần Thép Thành Lợi theo chỉ đạo của chính quyền TP Đà Nẵng.

Sau khi phân loại, hơn 5,7 tấn phế liệu “không sạch” đã được thiêu hủy, hơn 800 tấn còn lại lẽ ra phải bị tịch thu toàn bộ, nhưng đã được Công ty này tiếp tục sử dụng. Điều đó có nghĩa là toàn bộ lô hàng đã không bị tái xuất như yêu cầu của Bộ TN&MT.

Ông Huỳnh Văn Tân - Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Thành Lợi cho biết “đã có giám định rồi, không có độc hại, chỉ có bẩn thôi, mà không quy định trong luật là bẩn bao nhiêu để chúng tôi biết, nên ở đây việc xử lý thì tùy vào cơ quan chức năng”.

Tại 2 công văn số 3056/BTNMT-BVMTngày 14/8 và 3353/BTNMT-BVMT ngày 1/9, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường - Nguyễn Hoàng Hà nhấn mạnh, đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tái xuất toàn bộ lô hàng theo đúng qui định pháp luật (công văn 3056/BTNMT-BVMT) và nếu doanh nghiệp không thể tái xuất được, buộc phải ra quyết định tiêu huỷ lô hàng thì phải thực hiện đúng quy định tại Điều 171 và Điều 252 Bộ Luật Dân sự; việc xử lý phải được thực hiện tại cơ sở đủ năng lực về công nghệ, thiết bị xử lý môi trường để tiêu huỷ; quá trình tiêu huỷ phải được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ (3353/BTNMT-BVMT).

Nhưng cho đến nay, Bộ TN&MT vẫn chưa nhận được văn bản thông báo chính thức về kết quả xử lý lô hàng từ phía UBND TP Đà Nẵng. Doanh nghiệp đã có cớ để hợp thức hóa việc sử dụng lô hàng mà không phải thông quan và đóng thuế nhập khẩu.

Liệu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có đi đến một quyết định thống nhất trên cơ sở pháp luật hiện hành hay không?

Dư luận đang chờ câu trả lời từ phía cơ quan chức năng. Điều đáng lo ngại hơn cả là quyết định của Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã không được thực thi, vô hình trung đã tạo “tiền lệ xấu” theo cách gọi của chính Bộ này

Trần Ánh
.
.
.