Công ty Phương Nam lao đao với khoản nợ hơn 1.600 tỷ đồng

Thứ Ba, 06/11/2012, 17:56
Vốn pháp định chưa tới 300 tỷ đồng Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam, trụ sở đặt tại Sóc Trăng) đang nợ 7 ngân hàng trên 1.600 tỷ đồng, trong đó có đến 1.462 tỷ đồng là nợ ngắn hạn; khoản còn lại là trung hạn và dư nợ cho vay vốn nhận từ các tổ chức, cá nhân khác. Chủ tịch HĐQT của công ty và gia đình đã xuất cảnh, định cư tại Mỹ từ hơn 1 năm nay.

Sáng 5/11, đại diện các ngân hàng đang là "chủ nợ" của Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam, trụ sở đặt tại Sóc Trăng) - DN đang đối mặt với bờ vực phá sản (trên 1.600 tỷ đồng) đã họp để nghe phương án… "giải cứu". Một số PV báo chí đã không được phép vào dự nhưng sau buổi họp, chiều cùng ngày, ông Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Sóc Trăng đã dành cho PV Báo CAND một số thông tin đáng chú ý.

Theo thông tin mà PV Báo CAND có được, tại cuộc họp sáng 5/11, gồm có các ngân hàng với các khoản mà Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam đang nợ như sau: Agribank (trên 548 tỷ đồng), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB - gần 342 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - gần 147 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank - gần 329 tỷ đồng), Ngân hàng Công thương (Vietinbank - 8 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - trên 80 tỷ đồng) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - trên 147 tỷ đồng). Trong tổng số nợ hơn 1.600 tỷ đồng (tính tới ngày 17/8/2012) của Công ty Phương Nam, có đến 1.462 tỷ đồng là nợ ngắn hạn; khoản còn lại là trung hạn và dư nợ cho vay vốn nhận từ các tổ chức, cá nhân khác.

Trong khi đó, tổng giá trị thế chấp ban đầu của Công ty (tại các ngân hàng trên) là 1.528 tỷ đồng, đến nay giá trị thực còn lại hiện nay chỉ trên 550 tỷ đồng. So sánh giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp, Công ty Phương Nam đang mất cân đối khoảng 860 tỷ đồng.

Trong số những tài sản mà Công ty Phương Nam đã thế chấp cho các ngân hàng, qua tìm hiểu của PV Báo CAND, có 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 5 căn hộ ở khu Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh), 2 căn nhà ở Sóc Trăng, còn lại là nhà xưởng, phương tiện…

Công ty Phương Nam đang đối mặt với khoản nợ "khủng" hơn 1.600 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Tấn Bửu - Giám đốc Agribank Sóc Trăng, nguyên nhân khiến Công ty Phương Nam "nợ khủng" là do lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tăng cao, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Thủy sản vì đây là một ngành đòi hỏi nhu cầu vốn lớn và vốn vay chiếm tỷ trọng cao. Trong quá trình kinh doanh, Công ty Phương Nam có sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn đầu tư vào các hạng mục tài sản cố định kém hiệu quả, không sinh lợi nhuận dẫn đến mất cân đối trong tổng tài sản. Theo tính toán của các "chủ nợ", với số nợ trên 1.600 tỷ đồng, mỗi năm Công ty Phương Nam phải trả lãi khoảng 200 tỷ đồng, đó là chưa tính các chi phí khác như lương công nhân, điện nước... khiến cho DN càng lún sâu vào nợ nần.

Khi ông Lâm Ngọc Khuân - Chủ tịch HĐQT đi Mỹ, nghe ngóng tình hình ở "quê nhà" khá căng thẳng, ông Khuân đã ký ủy quyền điều hành DN lại cho ông Huỳnh Phúc Quế (SN 1980).

Một chuyên gia kinh tế nói với PV Báo CAND rằng, hiện các "chủ nợ" muốn tái cấu trúc thành công Công ty Phương Nam thì phải có sự đồng thuận với nhau về phương án xử lý nợ. Nếu cần, các ngân hàng nên góp vốn bằng nợ đã cho doanh nghiệp vay nhưng không quá 11% (đúng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) và chọn ra nhà đầu tư có đủ tầm để tham gia tái cơ cấu toàn diện.

Cũng từ nhận thức này mà trong cuộc họp sáng 5/11, các "chủ nợ" cũng đã lắng nghe phương án tái cấu trúc của một DN đến từ TP Hồ Chí Minh - Công ty CP Đầu tư Quốc tế Trí Việt (73, Cao Thắng, Q.3, TP Hồ Chí Minh). Theo Tổng Giám đốc công ty này, có nhiều nguyên nhân khiến ông muốn giải cứu Công ty Phương Nam, nhưng công tâm mà nói, đây là một trong những DN thành viên của VASEP, nằm trong tốp 10 DN hàng đầu của thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có uy tín trên thị trường quốc tế, có sản phẩm tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản; kim ngạch xuất khẩu có năm lên đến gần 100 triệu USD. Dây chuyền công nghệ của nhà máy phần lớn được nhập từ Nhật, Mỹ, Đức; công suất thiết kế tiêu thụ đến 50.000 tấn nguyên liệu/năm. Vào mùa thu hoạch tôm cao điểm, DN này tạo công ăn việc làm cho đến 2.500 lao động.

Trở lại thông tin mới nhất liên quan đến "số phận" của Công ty Phương Nam, sau cuộc họp sáng 5/11, ông Nguyễn Tấn Bửu - Giám đốc Agribank nói với PV Báo CAND: "Các ngân hàng thống nhất cao chủ trương cơ cấu lại nợ của Công ty Phương Nam nhằm duy trì thương hiệu, sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động. Theo tinh thần cuộc họp sáng 5/11, Công ty CP Đầu tư quốc tế Trí Việt sẽ tham gia tái cấu trúc; đại diện pháp nhân của phía con nợ để đàm phán phương án với ngân hàng là chủ nợ…".

Công ty Phương Nam thành lập tháng 8/1998, có vốn điều lệ gần 300 tỷ đồng. Sau khi rơi vào tình trạng nợ "khủng", vào ngày 19/8/2012, từ Mỹ, Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân đã gửi cho lãnh đạo 7 ngân hàng với nội dung cáo bệnh và cho biết ông lấy làm tiếc vì sức khỏe ông vẫn chưa ổn, bác sĩ vẫn chưa cho ông về nước để ông tham gia tái cơ cấu nợ.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, Công ty Phương Nam còn có công ty con (đặt tại huyện Kế Sách, Sóc Trăng).

Binh Huyền
.
.
.