Con tôm “sang” Trung Quốc và chuyện quy hoạch vùng nguyên liệu
Có thể nói, đây là mức giá cao nhất kể từ trước đến nay! Giá tôm chân trắng tăng mạnh hơn, từ 87.000 đồng/kg cỡ 100 con cuối tháng 9 năm ngoái lên 123.000 đồng/kg cuối tháng 9 năm nay. Có chuyên gia chỉ ra rằng, việc phát triển quá nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản mà không “ngó ngàng” gì đến việc phát triển vùng nguyên liệu khiến cho “cầu vượt cung”.
Ví như Cà Mau có 34 xí nghiệp chế biến với công suất 190.000 tấn/năm nhưng sản lượng tôm nguyên liệu đáp ứng khoảng 40%. Con số 40% cũng là con số trung bình khi so sánh sản lượng tôm với nhu cầu nguyên liệu tôm cho chế biến. Đó vẫn là tính toán với điều kiện ổn định, chưa kể lúc tôm gặp dịch hay vào thời điểm gối vụ tôm.
Một trong những lý do giá tôm nguyên liệu thời điểm này tăng cao là do các thương lái đến từng vựa tôm “vơ vét” tôm nguyên liệu bán sang Trung Quốc. Thực tế việc thương lái đẩy giá thu mua tôm lên (cao hơn từ 10 - 20%) trong quý III vừa qua đã mang lại lợi nhuận lớn cho các thương lái trung gian. Trong khi đó, người nuôi tôm cũng không được lợi nhiều. Còn “thiệt” nhất vẫn là các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước. Không đủ tôm từ những vùng nguyên liệu “sân nhà”, nhiều doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ và Ecuador.
Các doanh nghiệp chế biến đang thiếu tôm nguyên liệu. Ảnh minh họa. |
Thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), 8 tháng đầu năm 2013, Việt Nam là thị trường nhập tôm lớn thứ hai của Ecuador với 16.245 tấn, chỉ sau Mỹ (28.538 tấn). Nhập tôm, ngoài những chi phí vận chuyển, sự bất tiện do xa cách về mặt địa lý, các DN đang phải chịu mức thuế nhập khẩu cao (10%) và theo dự thảo mới đây của Bộ Tài chính sẽ tăng thêm 2% thuế nhập khẩu các loài tôm chính (tôm sú và tôm chân trắng) vào năm 2014 nhằm bảo hộ và khuyến khích nuôi trồng trong nước!
Một số doanh nghiệp không chọn cách nhập khẩu thì đành phải chấp nhận mua giá cao (thậm chí cao hơn cả giá bán) để giữ chân bạn hàng. Những doanh nghiệp khác “không chịu được nhiệt” thì chỉ còn cách bấm bụng xin “được” phạt hợp đồng.
Kết thúc quý III-2013, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 4,8 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt giá trị cao nhất 2 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với cá tra và cũng có mức tăng trưởng dương cao nhất trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản là 26,9%.
Theo phân tích của một số chuyên gia ngành thủy sản, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính sẽ thuận lợi và dự báo, xuất khẩu thủy sản cả năm cũng được dự báo sẽ cán đích trên 6,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2012 chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm thẻ ở hầu hết các thị trường. Tuy nhiên, thành quả này có thể bị ảnh hưởng chỉ với một lý do đơn giản: Thiếu nguyên liệu đầu vào cho chế biến tôm xuất khẩu.
Biết thế nhưng cũng khó ngăn được tình trạng tôm nguyên liệu “bơi” sang Trung Quốc do giá nhập cao hơn. Và cũng không thể một sớm một chiều giải quyết tận gốc tình trạng nuôi tôm quảng canh “ăn ít no dai” nên sản lượng không cao trong khi người dân chưa mặn mà với mô hình nuôi tôm.
Đã đến lúc ngành Nông nghiệp cần xem xét lại quy hoạch phát triển ngành tôm. Nếu cứ để tự phát thế này, thì năm sau, xuất khẩu thủy sản khó có thể “hái quả ngọt” như trong quá khứ!