Còn nhiều vi phạm trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Theo Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an, hành vi vi phạm bản quyền tác giả diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực. Các hành vi xâm phạm bản quyền như in lậu sách, sử dụng các tác phẩm âm nhạc, tác phẩm điện ảnh, bản ghi âm, ghi hình mà không trả tiền cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan, sử dụng các chương trình máy tính không có bản quyền và những hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan khác vẫn diễn ra thường xuyên. Vấn đề vi phạm bản quyền càng trở nên phức tạp hơn trong môi trường Internet.
Các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Hành vi xâm phạm xảy ra với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng đặc biệt quan trọng như vàng, thẻ tín dụng, thuốc chữa bệnh, phân bón, thực phẩm, xăng dầu, thiết bị điện…
Nhập lậu qua biên giới khiến việc kiểm soát thực thi quyền sở hữu trí tuệ gặp nhiều khó khăn hơn. |
Hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất ở trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường, kể cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, trong đó chủ yếu là nhập lậu qua biên giới.
Trong năm 2014, Cảnh sát kinh tế đã phát hiện 665 vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả, trong đó, đã khởi tố 120 vụ, 196 bị can, so với năm 2013, tăng 130 vụ. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, Cảnh sát kinh tế đã phát hiện 316 vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả, khởi tố 32 vụ, 51 bị can…
Tuy nhiên, việc xử lý tội phạm xâm hại sở hữu trí tuệ khá khó khăn và phức tạp. Chủ thể tội phạm chủ yếu là người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tay nghề vững, có thế mạnh kinh tế, hiểu biết sâu trong lĩnh vực mà đối tượng đang quản lý. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin tạo ra nhiều phương tiện, thiết bị tinh vi hỗ trợ cho loại tội phạm này phát triển, gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý tội phạm.
Về mặt pháp luật, các quy định về sở hữu trí tuệ còn mang nặng tính nguyên tắc chung, thiếu tính cụ thể, chi tiết. Các quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có khi còn chồng chéo, trùng lặp. Một hành vi vi phạm có thể được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau…
Đại diện Cục Hải quan cho biết, thời gian gần đây, khá nhiều vụ nhập lậu qua biên giới bị lực lượng hải quan phát hiện mà sản phẩm của cùng một nhãn hàng sản xuất trong nước nhưng các đối tượng làm giả sản phẩm tại nước ngoài rồi mới nhập lậu về Việt Nam tiêu thụ. Tình trạng khai báo mập mờ về xuất xứ, nguồn gốc nhằm “qua mặt” cơ quan chức năng diễn ra khá thường xuyên…
Trưởng phòng Thanh tra 1, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ - bà Đỗ Thị Minh Thủy phân tích: Khi xảy ra tranh chấp sở hữu trí tuệ, ngoài biện pháp tự nguyện là thương lượng hòa giải còn có biện pháp hành chính, biện pháp dân sự và hình sự.
Tuy nhiên hiện nay, hình thức xử lý dân sự (kiện ra tòa) chưa được áp dụng nhiều và bản thân chủ thể quyền cũng không mấy mặn mà vì cho rằng thủ tục rườm rà, giá trị bồi thường thiệt hại thấp. Biện pháp xử lý hình sự cũng còn bất cập. Trong khi đó, quy định liên quan đến xác định quy mô thương mại của hành vi lại chưa có…
Để nâng cao hiệu quả trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động tuyên truyền là vô cùng cần thiết. Với báo chí, ngoài hoạt động phản ánh các vấn đề bất cập trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ, việc phản ánh, nhân rộng các điển hình thực hiện tốt sở hữu trí tuệ cũng là một trong những cách làm tích cực và hữu hiệu nhằm góp phần đẩy mạnh thực thi sở hữu trí tuệ trong tương lai…