Còn nhiều khó khăn trong phát triển du lịch thông minh

Thứ Hai, 02/11/2020, 06:04
Khái niệm về “du lịch thông minh” được hình thành và phát triển trong thời kỳ mà các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông được tích hợp trong các công cụ và phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm đổi mới lĩnh vực du lịch.


Du lịch thông minh được nhiều quốc gia triển khai với nhiều hình thức đa dạng. Du lịch Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức trong phát triển du lịch thông minh.

Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp Sông Hàn, Trường làng công nghệ du lịch Techfest 2018 – 2020 nhận định: Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch.

Công nghệ giúp cá nhân hóa trải nghiệm của du khách, giúp doanh nghiệp, nhà quản lý thu thập, phân tích hành vi của du khách, từ đó đưa ra các sản phẩm, điều chỉnh phù hợp.

Ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch Việt Nam đang được phát huy tốt hơn.

Công nghệ mang đến nhiều trải nghiệm mới, đồng thời tăng hiệu quả hoạt động, tiết kiệm lao động và năng lượng… Ứng dụng công nghệ hỗ trợ đắc lực cho du lịch trải nghiệm và truyền thông, quản lý điểm đến, cho hoạt động triển lãm và và hội nghị trực tuyến, tăng tính tương tác…

Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, ngành Du lịch Việt đang tiếp cận nhanh chóng với du lịch thông minh để đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã thích ứng nhanh nhạy, tích cực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, chủ động để trở thành doanh nghiệp thông minh.

Tuy nhiên, công nghệ không phải là yếu tố duy nhất khiến ngành Du lịch trở nên “thông minh”. Các nguyên tắc của du lịch thông minh nằm ở việc nâng cao kinh nghiệm du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, tối đa hóa khả năng cạnh tranh, song song với việc đảm bảo khía cạnh bền vững của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp du lịch Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trên nhiều trên nhiều phương diện.

Trong 4 năm gần đây, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch đã tổ chức nhiều hội thảo quy mô khu vực và quốc tế, các hoạt động phát triển du lịch thông minh. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch thông minh hiện còn rất nhiều khó khăn. 

Thứ nhất là doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm. So với các tập đoàn du lịch nước ngoài có bề dày trăm năm lịch sử, có ưu thế vượt trội về tài chính và kinh nghiệm thương mại điện tử, truyền thông tiếp thị online, thì các công ty du lịch Việt Nam còn quá non trẻ, ít kinh nghiệm. Năng lực cạnh tranh bị giảm sút trên thị trường online.

Khó khăn thứ hai là về nguồn nhân lực. Muốn phát triển du lịch thông minh phải có nguồn nhân lực thông minh. Tuy nhiên, các trường đào tạo du lịch hiện nay vẫn thiên về cách dạy truyền thống, khả năng thích ứng công nghệ còn chậm. Để nhân sự đáp ứng tốt mảng công nghệ trong du lịch, công ty thường phải bỏ chi phí, thời gian đào tạo lại từ đầu.

Hạ tầng cơ sở cũng đang là vấn đề bất cập. Hạ tầng công nghệ thông tin (mạng lưới viễn thông, trang thiết bị hiện đại đi kèm) ở các địa phương không đồng đều, chênh lệch rõ rệt giữa khu vực đô thị với các vùng nông thôn, khu vực miền núi… rất khó để phát triển du lịch thông minh hay xây dựng các sản phẩm có yếu tố công nghệ cao.

Trong khi đó, vai trò của nhà tổ chức tour đang suy giảm. Với sự phát triển công nghệ, thay vì mua tour của công ty du lịch, du khách liên hệ trực tiếp với nhà cung cấp, book dịch vụ và du lịch tự túc. Đây là áp lực lớn, đòi hỏi các công ty du lịch phải luôn đổi mới, thiết kế các dịch vụ mới lạ, các chương trình khuyến mãi, tiếp thị hấp dẫn để thu hút khách.

Một khó khăn nữa là bộ máy quản lý đang cồng kềnh. Những doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, mô hình quản lý truyền thống không tránh khỏi vấn đề bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian và các quy định, quy trình phức tạp, đôi khi chồng chéo. Đây là một rào cản làm ảnh hưởng đến quy trình chuyển đổi quản lý và làm chậm quá trình ứng dụng công nghệ vào thực tiễn doanh nghiệp.

N.Hoa
.
.
.