Có thể chưa tăng lương tối thiểu năm 2021

Thứ Tư, 24/06/2020, 06:43
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 năm nay, việc tăng lương tối thiểu vùng đang gặp không ít khó khăn do không chỉ người lao động, mà các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Ngày 23/6, tại Quảng Ninh, Hội đồng tiền lương quốc gia gồm đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ LĐ-TB&XH đã nhóm họp phiên đầu tiên bàn về tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. 

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 năm nay, việc tăng lương tối thiểu vùng đang gặp không ít khó khăn do không chỉ người lao động, mà các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Hai phương án lựa chọn

Tại cuộc họp, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đưa ra hai phương án. Trong đó, phương án 1 là không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Phương án 2, từ ngày 1/7/2021 sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Với phương án này, thời gian tăng lương sẽ chậm hơn so với trước đây 6 tháng.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp và người lao động đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, “sức khỏe” của rất nhiều doanh nghiệp hiện đang rất yếu. Thậm chí, với việc không ít quốc gia, trong đó có các thị trường xuất khẩu lớn của các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 giai đoạn 2. Chỉ trong thời gian ngắn nữa không ít doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn không biết có thể vượt qua. 

Với nhận định doanh nghiệp chịu tác động lớn của dịch COVID-19, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ giải thể. Đơn cử như một số doanh nghiệp điện tử, dệt may, da giày... Do đó tăng hay không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 cần phải được cân nhắc kỹ. 

“Qua trao đổi với các Hiệp hội doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021”, ông Phòng nói.  

Các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức là điều dễ hiểu và rất cần sự chia sẻ từ phía người lao động. Tuy vậy, theo quan điểm của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, người lao động cũng đang phải đối mặt với những thử thách sống còn. 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, cho biết năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên người lao động và người sử dụng lao động đều gặp khó khăn. 

“Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực bảo vệ quyền lợi người lao động trong mối quan hệ và sự thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp”, ông Hiểu cho biết.

Bên nào cũng khó

Đồng tình trước kiến nghị của VCCI, các chuyên gia trong lĩnh vực lao động cũng nhận định, với tình hình hiện nay, năm 2021, nếu không tăng lương tối thiểu vùng cũng là phương án để giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời cũng là giữ lại công ăn việc làm cho người lao động. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, nếu doanh nghiệp có điều kiện tăng lương cho người lao động là tốt, nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, giảm giờ làm, giảm thu nhập còn đang phổ biến; tình hình kinh tế quý 4 chưa biết có sáng sủa hơn không, nhưng trong quý 3 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa, nên doanh nghiệp cần dưỡng sức để có thời gian hồi phục. Vì vậy, lương tối thiểu năm 2021 nên giữ nguyên như 2020.

Giãn tăng lương tối thiểu vùng để hỗ trợ doanh nghiệp cũng là quan điểm của PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội (Bộ LĐ-TB&XH). Theo PGS- TS Nguyễn Thị Lan Hương, các doanh nghiệp hiện đang duy trì sản xuất là do còn có những đơn hàng ký từ trước đó, từ nay đến cuối năm, đơn hàng mới không ký được, người lao động cũng không có công ăn việc làm, thậm chí doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh bi đát hơn. Do đó “cứu” doanh nghiệp lúc này cũng chính là “cứu” người lao động.

“Ngày 19/6, Quốc hội đã biểu quyết không tăng lương cơ sở từ 1/7/2020 cho khối công chức, viên chức, vì vậy quyết định không tăng lương tối thiểu cũng là để đảm bảo sự bình đẳng giữa lao động các khối”, PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương đưa ra quan điểm.

Tại phiên họp thứ nhất này, các bên đại diện cho doanh nghiệp và người lao động mới chỉ đưa ra quan điểm. Theo quy định, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ nhóm họp kín hai hoặc ba phiên. Sau đó thống nhất và trình lên Thủ tướng xem xét quyết định việc tăng hay không tăng lương tối thiểu vùng.

Phan Hoạt
.
.
.