Thuốc bảo vệ thực vật nhập ngoại tràn lan:

Cơ quan quản lý “tự bắn vào chân mình”

Chủ Nhật, 21/12/2014, 09:26
Mỗi năm Việt Nam chi khoảng 1 tỷ USD để nhập thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Dù đây không phải một loại hóa chất quá phức tạp để sản xuất trong nước nhưng nhiều doanh nghiệp đang tỏ ra bất bình trước những “rào cản” từ chính… cơ quan quản lý.

Mỗi năm ngành nông nghiệp phải nhập khẩu gần 1 tỷ USD thuốc BVTV. Việc sản xuất thuốc BVTV trong nước vẫn chỉ dừng lại ở mức nhập khẩu, sang chiết và đóng chai, dán nhãn… Và nguyên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào sự cung cấp của các nhà cung cấp nước ngoài…

Phụ họa, ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) thông tin, hiện cả nước có hơn 200 doanh nghiệp thuốc BVTV, 97 nhà máy chế biến với hơn 20.000 đại lý khắp cả nước. Nhưng gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm chúng ta vẫn phải nhập của nước ngoài (chủ yếu là của Trung Quốc).

Việc phụ thuộc vào thuốc BVTV “ngoại” cũng khiến ngay đến cơ quan chức năng nhiều khi cũng bó tay hoặc đùn đẩy với những lô hàng thuốc BVTV nhập lậu bị bắt quả tang. Lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội cho hay, năm 2013, đơn vị này bắt được một lô chế phẩm thuốc kích thích giá đỗ, nhãn hàng toàn bộ bằng tiếng Trung Quốc. Nhưng khi bắt xong rồi thì không biết mang đi xét nghiệm ở đâu. “Chúng tôi liên hệ với các Trung tâm xét nghiệm của Cục BVTV, Cục Trồng trọt đều nhận được cái lắc đầu.

Cuối cùng, chúng tôi phải đưa đi xét nghiệm ở Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an”, ông Phùng Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội ngán ngẩm. Mặc dù, theo ông Lộc, việc xét nghiệm chỉ để làm rõ xem đó là hóa chất gì, tác dụng như thế nào và tác hại đến đâu cho sức khỏe người tiêu dùng. Một lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội cho biết thêm, mỗi năm, cơ quan chức năng 4 lần lấy mẫu hoa quả nhập khẩu để kiểm tra 13 chỉ tiêu (hoạt chất thuốc) nhưng không phát hiện gì.

“Chúng ta nhập khẩu toàn bộ thuốc BVTV, họ biết chúng ta sử dụng những hoạt chất gì, vì vậy có khi họ sử dụng những hoạt chất mà chúng ta không có lavabo để xét nghiệm ra. Kết cục là chúng ta thiệt đơn thiệt kép, vừa mất tiền mà lại không có kết quả”, ông này nói.

Tại sao, doanh nghiệp lại phải bỏ hàng tỷ USD để nhập thuốc BVTV, một dạng hóa chất không quá khó để sản xuất? Câu trả lời dường như nằm ở bộ phận ban hành chính sách. Cụ thể, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV đang “phát sốt” vì những văn bản của Bộ NN&PTNT gây khó khăn cho doanh nghiệp nội phát triển. Đặc biệt, Thông tư 03 của Bộ này cũng như một số văn bản liên quan đang làm doanh nghiệp “đứng ngồi không yên”.

Theo doanh nghiệp, Thông tư 03/2013 của Bộ NN&PTNT yêu cầu, từ ngày 25/2/2015 bắt buộc các doanh nghiệp phải có đầy đủ giấy chứng nhận hợp chuẩn và dấu hợp quy trên bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính ngành nông nghiệp cũng chưa đưa ra được một bộ tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể nào, thì doanh nghiệp “biết đằng nào mà lần”.

Nhận định về Thông tư quản lý thuốc BVTV, ông Nguyễn Văn Thiệu - Phó Chủ tịch VIPA cho rằng, những quy định trong Thông tư thiếu tính thực tiễn. Theo ông Thiệu, việc sản xuất gia công, kinh doanh cung ứng, nhất là sử dụng thuốc BVTV còn nhiều hạn chế, hiệu quả kinh tế thấp, mức độ an toàn đối với sinh vật, môi trường chưa cao nên việc xiết chặt quản lý thuốc BVTV là cần thiết. Song phải tổ chức thực hiện sao cho phù hợp những nét đặc thù riêng, không thể lấy quy chuẩn các nước áp dụng cho Việt Nam.

Chi Linh

.
.
.