Chuyện của rác thải y tế

Thứ Tư, 05/12/2007, 08:27
Tại Hải Phòng hiện có 24 bệnh viện, trên 1.000 cơ sở y tế các cấp với khoảng 5.500 giường bệnh. Theo các chuyên gia, 1 giường trong ngày thải ra khoảng 0,3 - 0,4kg chất thải y tế nguy hiểm cần được xử lý theo quy định đặc biệt.

Như vậy, mỗi ngày, Hải Phòng phát sinh hàng tấn chất thải y tế dạng rắn. Bên cạnh đó, còn hàng chục ngàn mét khối nước thải từ các cơ sở y tế và một phần lớn trong số đó chưa hề được xử lý khi ra môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, cho đến nay, thành phố mới chỉ có 7/24 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Hiện, chưa một bệnh viện nào được trang bị lò đốt chất thải rắn. Trong khi đó, chỉ có 16 bệnh viện, cơ sở y tế ký hợp đồng thu gom và xử lý rác thải y tế với Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng, với tổng lượng ước chừng 150kg/ngày.

Riêng tháng 10/2007, sau hàng loạt các cuộc thanh kiểm tra, lượng rác y tế thu gom mới tăng được gần 400kg/ngày. So với con số hàng tấn trên thực tế, lượng rác được đưa đi xử lý thật quá ít ỏi.

Nguyên nhân muôn thuở là kinh phí. Theo ông Vy, để đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn cho một cơ sở có 100 giường bệnh tốn khoảng 2 tỷ đồng. Như thế, 5.500 giường bệnh hiện có, ngành Y tế thành phố sẽ phải bỏ ra trên 100 tỷ đồng, chưa kể kinh phí duy trì hoạt động.

Về xử lý chất thải rắn, một lò đốt công nghệ Áo, năng lực xử lý 1,2 tấn/ngày như ở Công ty Môi trường đô thị hiện nay có giá 3,2 tỷ đồng. Một lò đốt mini phù hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế nhỏ, giá cũng không dưới 500 triệu đồng.

Một nỗi lo khác cũng đang ám ảnh các bệnh viện là phí đốt rác. Với mức thu gom như hiện nay, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng phải trả chừng 17 triệu đồng/tháng cho việc xử lý rác y tế. Chưa phải là nhiều, nhưng theo ông Phạm Thiện Hoạch, Phó Giám đốc Bệnh viện thì với cơ chế thu như hiện nay, chỉ thêm một khoản nhỏ cũng khiến họ phải suy tính.

Theo Luật Bảo vệ môi trường, các bệnh viện phải thực hiện việc quan trắc môi trường định kỳ và báo cáo lên Phòng Tài nguyên môi trường cấp quận, huyện. Nhưng khi được hỏi, rất nhiều lãnh đạo bệnh viện không hề quan tâm đến khái niệm "quan trắc môi trường".

Đó là chưa đáng kể, trong khi luôn ca bài thiếu kinh phí đầu tư thiết bị thì tại Hải Phòng còn có một nghịch lý khác, đó là việc lãng phí những hệ thống tiền tỷ mà điển hình là, Bệnh viện Đa khoa Kiến An với vụ "đắp chiếu" công trình xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh trị giá gần 2 tỷ đồng. Đến nay đã hơn 4 năm, những vấn đề trên vẫn chưa được khắc phục.

Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp cũng được đầu tư một hệ thống xử lý nước thải tương tự. Và cũng có thông tin, theo kết quả quan trắc được thực hiện để đối chiếu làm đánh giá tác động môi trường dự án xây dựng Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2 tại xã An Đồng, trong nước thải đã xử lý ở đây vẫn có nhiều chất gây ô nhiễm môi trường với nồng độ vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần!

Chất thải y tế ở Hải Phòng đang trở nên nóng bỏng. Ngoài nguyên nhân là sự thờ ơ của không ít người có trách nhiệm còn có một lý do đặc biệt khác. Với mức giá xử lý rác thải y tế là 3.900 đồng/kg, chưa bằng một nửa giá thành xử lý 1kg rác, hằng năm, Công ty Môi trường đô thị phải thường xuyên bù lỗ hàng trăm triệu đồng.

Năm nay, mức bù lỗ sẽ cao hơn do những tháng cuối năm, lượng rác y tế tăng đột biến sau những cuộc kiểm tra của ngành chủ quản và liên ngành.

Ông Đàm Xuân Luỹ, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị  đã có câu trả lời, nhưng theo chúng tôi, đây là một câu trả lời mang nhiều tính... ngoại giao: "Trên thực tế, việc này không phải không có, nhưng đó là thái độ của những người trực tiếp làm việc chứ không phải chủ trương của lãnh đạo nào cả. Thật ra, đây là trách nhiệm xã hội, việc phải làm, chúng tôi vẫn cứ làm, vừa làm vừa kiến nghị lên thành phố…".

Vậy là trách nhiệm cuối cùng sẽ đến đâu? Cái tặc lưỡi dễ dãi sẽ dẫn đến hậu quả là mỗi ngày, có hàng tấn rác thải y tế vẫn sống chung với môi trường, hàng triệu mét khối nước thải bệnh viện vẫn hòa vào dòng nước sinh hoạt của hàng triệu người dân

Hà Linh
.
.
.