Chưa thể kiểm soát hết các đường dây rượu "độc"

Thứ Ba, 25/11/2008, 14:30
Việc kiểm tra các cơ sở SX-KD rượu công nghiệp thì khá đơn giản thông qua kiểm tra hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng, GPKD,... còn các cơ sở nhỏ lẻ, SX các loại rượu không nguồn gốc, nhãn mác thì do luật của ta chưa có cho phép đóng cửa những cơ sở SX rượu theo kiểu truyền thống, gia truyền. Qua đợt giám sát, sẽ có hướng cần bổ sung thêm quy chế và quy chuẩn để việc kiểm soát được hiệu quả hơn.
Sáng 24/11, Đoàn thanh tra của Bộ Y tế đã chính thức làm việc với Sở Y tế (SYT) TP HCM xung quanh chỉ đạo của Bộ Y tế về việc thanh tra, kiểm tra tình hình sản xuất - kinh doanh (SX-KD) rượu tại các tỉnh phía Nam.

Ông Bùi Đức Phong, Chánh Thanh tra BYT phía Nam cho biết, BYT thành lập 2 đoàn thanh kiểm tra rượu. Đoàn 1 do Cục VSATTP cùng phối hợp với Thanh tra Bộ, Viện Dinh dưỡng thanh tra tại Hải Phòng, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên.

Đoàn 2 do Cục ATVSTP, Viện VSYTCC và Thanh tra SYT TP HCM phối hợp thanh tra tại 3 tỉnh, thành: TP HCM, Long An và Tây Ninh. Trong 16 cơ sở SX-KD rượu được kiểm tra tại TP HCM chỉ có 5 cơ sở là có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

Trong 71 mẫu rượu đem đi kiểm nghiệm đã có 38 mẫu có kết quả phát hiện 12 mẫu có methanol cao vượt mức cho phép, 6 mẫu có hàm lượng cả methanol, aldehyd, furfurol (dư lượng thuốc trừ sâu) vượt mức, 18 mẫu có aldehyd, furfurol vượt mức và 11 mẫu có hàm lượng aldehyd vượt mức cho phép.

Đặc biệt, trong 7 công ty kinh doanh cồn nguyên liệu được thanh tra, phát hiện 1 cơ sở có 1 mẫu cồn công nghiệp có hàm lượng methanol 4,5%(V/V), acetaldehyd 156 mg/l, furfurol 67mg/l.

Trong 160 cơ sở thuộc đoàn quận, huyện kiểm tra phát hiện 14 cơ sở vi phạm. Trong 41 mẫu được kiểm nghiệm thì tới 17 mẫu là không đạt. Đoàn đã tịch thu 4.919 lít rượu và 352 chai rượu các loại. Ngay ngày 20/11 vừa qua, Thanh tra và Phòng QLVSATTP SYT cũng đã tiếp nhận tới 1.860 lít rượu các loại không đạt yêu cầu tại kho 83 Hải Thượng Lãn Ông.

Tuy nhiên, theo ông Trường Giang, với việc kiểm tra các cơ sở SX-KD rượu công nghiệp thì khá đơn giản thông qua kiểm tra hồ sơ công bố TCCL, GPKD,... còn các cơ sở nhỏ lẻ, SX các loại rượu không nguồn gốc, nhãn mác thì do luật của ta chưa có cho phép đóng cửa những cơ sở SX rượu theo kiểu truyền thống, gia truyền.

Qua đợt giám sát, ta sẽ có hướng cần bổ sung thêm quy chế và quy chuẩn để việc kiểm soát được hiệu quả hơn.

Thực tế cho thấy, khi phát hiện cơ sở bán cồn nguyên liệu thực phẩm và cồn công nghiệp nhưng chỉ xử phạt khi cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP (mức phạt 12,5 triệu). Cái khó là ta không thể phát hiện được trong qua trình SX, chủ cơ sở đã bỏ thêm vào cái gì và thêm hóa chất gì để thành rượu chuối hột, thành rượu Rum…

Theo luật của ta chưa có quy chế xử lý việc buôn bán, SX phụ gia trong SX bia rượu. Và chưa có quy chế tịch thu, tiêu hủy bởi khi nào chứng minh được sản phẩm có gây độc hại thì mới có căn cứ để xử lý. Và không lấy đâu đủ kinh phí để kiểm nghiệm cho được hết mẫu của các cơ sở SX-KD rượu ngâm, rượu pha.

Các tiêu chuẩn kiểm nghiệm cũng khó vì trong các loại rượu ngâm này có thể có nhiều chất độc hại nhưng kiểm nghiệm cụ thể là chất gì thì cũng không làm nổi

Huyền Nga
.
.
.