Chưa có thông tin rõ ràng về tăng giá điện

Thứ Tư, 31/12/2014, 10:15
Sau khi thông tin EVN đề xuất tăng giá điện gây xôn xao dư luận nhưng chưa được nguồn tin nào xác nhận cũng như bác bỏ, chiều 30/12, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi họp báo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện của EVN do Tổ công tác liên ngành thực hiện. Theo đó, năm 2013 EVN đã lãi gần 5.000 tỷ đồng.

Công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện 2013: EVN lãi gần 5.000 tỷ đồng.
Cũng tại cuộc họp này, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cũng công bố con số tăng chi phí đang treo lại (yếu tố quyết định việc có tăng giá điện trong 2015 hay không) là khoảng 15.000 tỷ đồng, nhưng chưa có câu trả lời nào liên quan đến phương án giá sắp tới được đưa ra.

Giảm biên chế: Phải đợi sau năm 2020?

Theo số liệu được Bộ Công Thương công bố: Mức giá thành sản xuất kinh doanh điện bình quân của năm 2013 là 1.473,8 đồng/kWh. Với giá bán điện bình quân trong năm là 1.499,82 đồng/kWh, doanh thu bán điện của EVN là 172.903,33 tỷ đồng.

Tổng hợp từ các hoạt động, số lãi năm 2013 của EVN là gần 4.938,44 tỷ đồng, trong đó lãi từ sản xuất kinh doanh điện là 1.941 tỷ đồng, chiếm phần lớn lợi nhuận. Ngoài ra, lãi từ hoạt động đầu tư vào công ty cổ phần (do EVN báo cáo) là 441,81 tỷ đồng, thu nhập từ bán công suất phản kháng là 392,96 tỷ đồng, thu nhập từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và các Tổng Công ty Điện lực là 1.106,22 tỷ đồng.

Tại báo cáo này, Bộ Công Thương cũng cho biết, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2013 là gần 170.000 tỷ đồng. Cụ thể, tổng chi phí khâu phát điện là gần 131.000 tỷ đồng, khâu truyền tải là 9.200,09 tỷ đồng, khâu phân phối – bán lẻ là 29.047,41 tỷ đồng, khâu phụ trợ - quản lý ngành là 746,29 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất trong số này vẫn là chi phí của khâu phân phối – bán lẻ. Đặc biệt sau khi Chủ tịch HĐTV EVN là ông Hoàng Quốc Vượng và Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh đã báo cáo với Thủ tướng tại cuộc họp tháng 10 là năng suất lao động của EVN thấp chủ yếu do biên chế quá đông, chiếm phần không nhỏ trong số này là đội ngũ nhân viên thu tiền điện. Có thể thấy, chi phí này gấp hơn 3 lần chi phí truyền tải.

Trả lời câu hỏi của Báo CAND, ông Đinh Quang Tri cho biết chi phí phân phối bán lẻ sở dĩ cao là do các công ty truyền tải từ điện áp 110 kV xuống hạ áp để bán nên đầu tư rất lớn. Mặt khác, phải có một đội ngũ đến tận nhà lắp công tơ, thu tiền điện của 22 triệu khách hàng.

Ông Tri cũng xác nhận năng suất lao động của EVN thua Thái Lan, Malaysia và phấn đấu đến 2020 mới bằng, nhưng khả năng giảm biên chế được gián tiếp phủ nhận khi được biết, năm 2014 Tập đoàn này đã chỉ đạo không tăng biên chế, nhưng chỉ được duy trì được trong 6 tháng vì các trạm 110kV, 220kV mới vào vận hành, buộc phải có người trực. Việc giảm biên chế sẽ chỉ có được khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành (tức là nhanh cũng phải sau năm 2021) thì “các công ty sẽ phải cạnh tranh để bán lẻ điện, tạo sức ép cho họ sẽ phải đổi mới cả về công nghệ đọc công tơ, thanh toán tiền điện…”.

Ông Tri cũng bổ sung, EVN đang đầu tư hàng tỷ đô la để triển khai lưới điện thông minh, trong đó có tiêu chí tiết giảm, tăng năng suất lao động, còn “không có đầu tư mà tiết giảm lao động thì sẽ ảnh hưởng đến hệ thống, không an toàn”.
Chưa có công bố nào về phương án giá điện cho 2015.

Tăng giá điện hay không còn chờ vào quyết định của Chính phủ

Ngoài các con số lỗ lãi của EVN, thì cuộc họp này còn gây chú ý bởi nó sẽ là tín hiệu đầu tiên cho việc tăng hay không tăng giá điện, vốn là nỗi thấp thỏm của cả doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ Công thương vẫn đưa câu trả lời “theo thông lệ” hằng năm là “dựa trên công bố giá thành điện, EVN sẽ xây dựng phương án giá điện, trình Bộ Công Thương, Tài chính kiểm tra, thẩm định sau đó sẽ quyết hoặc trình Thủ tướng quyết định”.

Dù nhiều thông tin xác nhận là phương án đã được EVN trình với những con số hết sức cụ thể (mà báo chí cũng đã đăng và Bộ Công Thương cũng như EVN không hề lên tiếng phủ nhận), thì tại cuộc họp chính thức này, vẫn chưa có lời xác nhận nào.

Tuy nhiên, ông Đinh Quang Tri đã công bố một vài con số, trong đó cho biết còn khoảng 15.000 tỷ chi phí đang treo lại, hoặc sẽ được giải quyết bằng tăng giá điện, hoặc sẽ bằng cách khác, tùy vào quyết định của Chính phủ.

Theo ông Đinh Quang Tri, hiện EVN đã có văn bản xin Chính phủ cho hoãn xử lý khoản chênh lệch tỷ giá hơn 8.800 tỷ, chậm trả tiền khí cho PVN và đang chờ ý kiến chỉ đạo. Việc này sẽ quyết định giá điện có tăng hay không và tăng bao nhiêu.

Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng: Chúng tôi chỉ được xem xét trên những gì EVN cung cấp

Trả lời câu hỏi của PV về việc tham gia của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng trong việc kiểm tra giá thành điện của EVN, ông Đỗ Gia Phan cho biết: “Với cách kiểm tra như thế, chúng tôi chỉ có thể kiểm tra được những gì EVN cung cấp thôi, trong thời gian rất hạn chế không thể phát hiện những gì EVN làm chưa đúng hoặc những vấn đề cần quan tâm, phát hiện tốt hơn. Hiện việc thực hiện cơ chế thị trường trong bán lẻ hiện chưa làm được, trong khi để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tốt nhất thực hiện cơ chế thị trường, nhưng lộ trình còn quá dài”.
Vũ Hân
.
.
.