Chưa có đường vào cụm công nghiệp Đồng Hòa, Hải Phòng

Thứ Năm, 31/08/2006, 15:06

Vượt qua cầu Niệm là đại lộ Trường Chinh đi quận Kiến An - Hải Phòng. Đại lộ này dẫn vào cụm công nghiệp (CCN) Đồng Hòa. Ra đời nhiều năm nay và hiện có tới 29 DN và 2 trường đào tạo nghề đóng tại đây thế nhưng đến nay CCN vẫn chưa có con đường nối vào theo đúng nghĩa.

Đoạn đường vào CCN Đồng Hòa thực chất là mặt đê phòng hộ sông Lạch Tray, chiều rộng 8m theo như thiết kế ban đầu. Nhưng lâu nay, con đê phòng hộ này không còn khái niệm về hành lang an toàn cho cả tuyến đê - người dân hai bên cứ mặc nhiên xây dựng trái phép công trình nhà ở... ngay tại chân đê!

Gần đây, các công trình của dân cư hai bên đường đua nhau lấn thẳng ra mặt đê khiến con đường rộng 8m giờ đây có chỗ hẹp lại chỉ còn... 5m! Vì vậy, vào những giờ cao điểm, người đi xe máy, xe đạp qua lại với mật độ đông khiến xe tải và xe container rất khó ra vào các doanh nghiệp (DN) trong CCN này.  

Đặc biệt, tại khu vực ngã ba giao cắt giữa đại lộ Trường Chinh với đoạn đường vào CCN Đồng Hòa, người và phương tiện qua lại bị nhà cửa che khuất tầm nhìn nên rất hay xảy ra TNGT nguy hiểm. Trong khi đó, "bám" theo trục đoạn đường 1,3km vào CCN Đồng Hòa, có tới 29 DN và 2 trường đào tạo nghề. Các DN này thu hút 5.000 lao động và hàng nghìn học sinh cùng hàng trăm lượt xe tải, hàng chục xe container qua lại hàng ngày.

Biết là bức xúc, quá tải và trái quy định nên từ năm 2002-2003 đã có dự án cải tạo nâng cấp con đường trên đê này sao cho đảm bảo thực hiện được chức năng phòng hộ, giải quyết nhu cầu đi lại của các DN, đối tượng dân cư. Thế nhưng không hiểu sao, dự án vẫn "ngủ yên" từ bấy đến giờ, cũng không thấy ai động lòng "đánh thức" nó.

Phải tự lo nên khổ đủ điều

Đường không ra đường, song điện, nước phục vụ cho các DN trong CCN cũng không ra gì. CCN lớn như thế nhưng không có trạm biến áp và đường điện riêng. Mỗi DN muốn có điện - nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phải thuê các ngành này dưới hình thức tạm gọi là "phục vụ" theo nhu cầu, tốn kém vô kể. Theo thông lệ thì đối với mỗi CCN và mỗi khu công nghiệp, các địa phương thường chuẩn bị hạ tầng cơ sở sẵn sàng như đường - điện - nước..., sau đó mới mời nhà đầu tư vào đầu tư. Vì vậy, việc không chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng cơ sở trước khi CCN Đồng Hòa ra đời, chẳng khác gì việc làm ngược... quy trình !

Theo thống kê sơ bộ, 29 DN và 2 trường đào tạo trong CCN này đóng góp cho ngân sách mỗi năm trên 60 tỷ đồng. Trong khi đó, để đầu tư nâng cấp con đường ngắn ngủn này, chỉ cần khoản kinh phí khoảng 10% so với số tiền các DN đã nộp. Nhưng sao việc đó lại khó khăn đến thế(!?). 

Được biết, đầu năm 2006, một bản dự án hoàn chỉnh nhằm cải tạo, xây dựng lại con đường vào CCN này đã được chính quyền địa phương đưa ra đàm thảo. Theo đó, con đường sẽ có quy mô rộng 8m, vỉa hè mỗi bên 4m cùng hệ thống chiếu sáng, thoát nước hoàn chỉnh... Tổng số vốn đầu tư chỉ riêng phần xây dựng đường của dự án này lên tới ngót 9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong dự án này lại hoàn toàn không nhắc gì tới phần vốn dành cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Mặt khác, cũng chỉ tới khi công bố dự án này thì các DN mới "ớ" ra đây là dự án làm theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Điều đó có nghĩa, DN và nhân dân phải... đóng góp. Đó chính là lý do dự án bị các DN phản đối kịch liệt.

Từ đó đến nay, các DN trong CCN này vẫn phải chịu cảnh chen lấn, xô đẩy(!). Đặc biệt khó khăn là việc vận chuyển hàng hóa của các DN vì xe trọng tải lớn rất khó ra vào mà dùng xe nhỏ thì chi phí quá tốn kém.

"Đường - điện - nước" là điều kiện tối thiểu và đầu tiên mà hầu hết các dự án về KCN, CCN đều trong tư thế sẵn sàng trước khi mở cổng đón các DN vào đầu tư. Nhưng ở CCN Đồng Hòa lại không như thế và cũng chưa biết bao giờ mới có đường để đi... làm ăn

Minh Lê
.
.
.