Rừng phòng hộ đầu nguồn ở Hương Khê(Hà Tĩnh):

Chủ rừng bỏ mặc, lâm tặc hoành hành

Thứ Hai, 10/11/2008, 10:08
Công ty Lâm nghiệp dịch vụ Chúc A được giao nhiệm vụ bảo vệ, phát triển hơn 25 ngàn ha rừng đầu nguồn nằm trên địa bàn 5 xã của huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Thế nhưng, trong thời gian qua, nơi đây được coi là một trong những điểm nóng về tình trạng vi phạm khai thác gỗ do sự buông lỏng trong công tác quản lý của chính chủ rừng.

Thi nhau… phá rừng

"Dạo ni muốn lấy được gỗ phải vào Quảng Bình hay sang tận bên Lào, chứ rừng ở mình lấy chổi quét lá được rồi, mần chi còn gỗ nữa". Đó là lời khẳng định "như đinh đóng cột" của Trần Doãn T mà chúng tôi tình cờ gặp nhân lúc anh ta đang cùng với "chiến hữu" ngồi lai rai mấy ly rượu đế trong quán nước ven đường ở gần trụ sở UBND xã Hương Lâm (Hương Khê).

Cao hứng, T còn vỗ ngực khoe rằng, với thâm niên hơn 10 năm "chui rừng đục rú" khai thác gỗ, nếu đem chất thành đống thì cũng bằng một... quả núi nho nhỏ. Quả thật, dạo một vòng qua các xã Hương Lâm, Hương Liên (Hương Khê), chúng tôi thấy nhà nào cũng có một vài đống gỗ to tướng chất trong vườn, nhìn kỹ hầu hết là gỗ mới làm về.

Ông Nguyễn Văn N, trú tại xã Hương Liên, có 5 người con trai, đứa lớn 25 tuổi, đứa nhỏ mới 15 tuổi. Cả nhà 6 người đàn ông không kể già trẻ lập thành một tổ chuyên đi khai thác gỗ. Ông kể, mỗi chuyến cha con vào rừng thường mất gần cả tháng, gồm 3 ngày đi, 5-7 ngày cắt gỗ, còn lại là thời gian vận chuyển về.

Nếu mọi việc suôn sẻ, may mắn thì cha con ông có thể kiếm được khoảng chục khối gỗ đem về bán cho đầu nậu. Sau khi trừ các chi phí như tiền ăn, tiền thuê trâu kéo, xe công nông vận chuyển cũng còn lại vài chục triệu đồng.

Những người dân ở đây phải tổ chức thành từng nhóm với nhau gọi là "phường săn gỗ". Mỗi phường săn gỗ thường có từ 5 - 10 người, người nhiều tuổi nhất, có kinh nghiệm nhất làm nhiệm vụ tiên phong đi trước để tìm và đánh dấu lên những cây gỗ ưng ý, sau đó quay về dẫn anh em vào khai thác.

Ông N chỉ tay vào đống gỗ to tướng vừa thuê xe công nông kéo từ ngoài sông về, nói với chúng tôi: "Các chú coi, để đưa một cơn (cây) gỗ như ri về đây nỏ đơn giản tý mô cả. Bây giờ tìm ra gỗ đã khó, vận chuyển về càng khó khăn gấp bội. Có những chỗ con tru (trâu) cũng nỏ vô được, phải dùng sức người mà kéo, đôi khi chỉ cần một chút sơ sẩy là mạng người đi tong.

Thú thực, không có việc chi thì phải làm nghề ni chứ nhiều khi chính tay mình phá rừng mà cũng cảm thấy xót lắm. Bởi bây giờ tiện có cưa máy nên để lấy được một cây gỗ thì hàng trăm cây khác xung quanh cũng cùng chung số phận, chỉ cần vướng là họ đưa cưa lên "en" một cái liền".

Chủ rừng bỏ mặc

Qua tìm hiểu được biết, việc khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép ở đây hầu như diễn ra một cách công khai. Mặc dù Công ty Lâm nghiệp dịch vụ Chúc A có 20 cán bộ bảo vệ rừng, 5 trạm gác chốt chặn ở những địa điểm xung yếu và cả hệ thống chính quyền các xã sở tại cùng các cơ quan chức năng nhưng hằng ngày gỗ vẫn nườm nượp chảy về xuôi một cách… thoải mái.

Ngay tại địa bàn hai xã Hương Lâm và Hương Liên, chỉ đếm sơ sơ cũng có tới gần cả chục chiếc xe Uoát thùng cải tiến của các đầu nậu chuyên vào đây "ăn hàng". Đấy là chưa tính đến mấy chiếc xe chở khách và các loại khác như xe tải, công nông... cũng thường xuyên tham gia vận chuyển gỗ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một cán bộ của Công ty Lâm nghiệp dịch vụ Chúc A giải thích: Do người dân ở gần rừng, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên họ vào rừng kiếm một vài thanh gỗ về làm nhà.

Chúng tôi biết như vậy là vi phạm pháp luật nhưng đành phải thông cảm mà giải quyết, chứ nếu làm căng quá họ phản ứng lại cũng hết sức phức tạp. Các anh không biết chứ, nhiều cán bộ bảo vệ rừng ở đây bị đánh trọng thương trong khi làm nhiệm vụ rồi đấy".

Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao đã có các trạm kiểm soát lâm sản mà hằng ngày gỗ vẫn được chở về xuôi tiêu thụ một cách dễ dàng và vấn đề phối hợp giữa đơn vị với chính quyền các địa phương, các ban, ngành liên quan trong việc ngăn chặn nạn phá rừng thì đồng chí cán bộ này cho biết: "Chúng tôi không có quyền phát ngôn khi chưa được sự đồng ý của Giám đốc.

Chúng tôi tìm gặp Ban lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp dịch vụ Chúc A nhưng mấy lần đều được trả lời là Giám đốc bận đi họp. Và có lẽ, trong lúc những cánh rừng đại ngàn đang quằn quại đau đớn dưới sức tàn phá khủng khiếp của bọn lâm tặc thì ở một nơi nào đó, ông giám đốc Công ty này đang báo cáo thành tích của đơn vị trong năm 2008?!

Nhóm phóng viên
.
.
.