Chủ động ứng phó với đại dịch, không để “đứt gãy” chuỗi cung ứng

Chủ Nhật, 30/05/2021, 08:17
Bắc Ninh, Bắc Giang và nhiều tỉnh, thành đang trở thành điểm nóng bùng phát dịch COVID-19. Việc cần thực hiện ngay lúc này là dập dịch, không để lây lan. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực dập dịch thì việc duy trì sản xuất, phát triển kinh tế, lưu thông hàng hoá cũng là bài toán được đặt ra không chỉ riêng với các địa phương đang có dịch mà cả với nền kinh tế trong bối cảnh dịch đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế sẽ cần giải pháp nào? PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương về vấn đề này.

PV: Việc giãn cách, cách ly cục bộ có ảnh hưởng thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN? Chính phủ, Bộ Công Thương có những giải pháp gì để vừa chống dịch, vừa có thể duy trì sản xuất, kinh doanh ở mức độ hợp lý, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương, Bộ Công Thương đã và đang tập trung chỉ đạo các đơn vị thống nhất quan điểm điều hành, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay với trọng tâm trước mắt là công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, nơi tập trung số lượng lao động lớn… Thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Ngày 13/5/2021, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố quán triệt thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch tại các KCN, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Bộ tiếp tục tiếp nhận thông tin và phối hợp với các địa phương, các đơn vị chức năng có liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc của các địa phương, DN… trong việc vận chuyển lưu thông hàng hoá (đặc biệt là nông sản) tại các địa bàn bị phong toả và có dịch.

Chủ trương của Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng các địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19, không để “đứt gãy” nguồn cung hàng hoá thiết yếu, gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ cũng đã tổ chức các cuộc làm việc trực tuyến cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang diễn ra ngày 25/5, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh diễn ra chiều 26/5, để cùng địa phương thống nhất triển khai các biện pháp cấp bách, đẩy lùi khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19.

PV: Hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang có nhiều khu công nghiệp, nhưng lại đang là điểm nóng về dịch. Bộ Công Thương đã có những giải pháp, hỗ trợ như thế nào đối với hai địa phương này trong việc lưu thông hàng hóa đảm bảo chuỗi sản xuất không đứt gãy, nhất là một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như vải thiều đang vào vụ mùa thu hoạch?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương luôn theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Tại các địa phương, công tác dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 được triển khai thực hiện theo các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu của địa phương tương ứng với các kịch bản cấp độ của dịch bệnh đã được xây dựng. Đồng thời, các địa phương vẫn luôn chú trọng đến nguồn cung các hàng hóa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như khẩu trang, nước sát khuẩn để phục vụ thị trường địa phương.

Đến thời điểm hiện nay, thị trường hàng hóa không có biến động lớn, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá cả các hàng hóa thiết yếu vẫn ổn định. Tại Bắc Ninh, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn đáp ứng đủ nhu cầu, giá cả ổn định, một số địa bàn bị hạn chế do việc kiểm soát dịch bệnh chặt dẫn đến việc lưu thông vận chuyển hàng hóa bị chậm hơn ngày thường, nhất là việc vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tỉnh đã có văn bản đề nghị các địa phương lân cận phối hợp tạo điều kiện cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn.

Để hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) cũng thường xuyên liên hệ, hỗ trợ chỉ đạo các địa phương lân cận phối hợp xử lý vấn đề này, nhất là khi xe vận chuyển hàng hóa của các DN phân phối bị ách tắc khi qua các chốt chặn.

Với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp tại tỉnh Bắc Giang, nhất là sắp vào mùa thu hoạch vải, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các đơn vị liên quan của Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các DN có hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, tập trung hỗ trợ, kết nối tiêu thụ vải cho các DN, người dân của tỉnh Bắc Giang.

PV: Thứ trưởng đánh giá về tình hình sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay như thế nào? Các giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của Việt Nam 4 tháng đầu năm đã phản ánh quá trình phục hồi đang diễn ra trong nền kinh tế. Đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng ngành công nghiệp và thương mại cơ bản đã và đang bám sát theo kịch bản đề ra, đặc biệt XK đạt mức tăng rất cao và tiếp tục là điểm sáng trong năm 2021. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và kinh doanh của các DN nói chung và của ngành Công Thương nói riêng đã và đang gặp khó khăn, thách thức bởi các yếu tố sau:

Việc xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng vào cuối tháng 4 tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có các ca lây nhiễm là công nhân thuộc các khu vực sản xuất công nghiệp ở Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang… đã ảnh hưởng không nhỏ và cục bộ đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số tỉnh, thành phố. Tình hình trên nếu không được kiểm soát chặt chẽ, lan rộng, có thể sẽ ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất và tốc độ tăng trưởng của sản xuất và XK.

Tác động của dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, với việc thực hiện giãn cách xã hội ở một số nơi; hạn chế đi lại, tiếp xúc, khiến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa có thể sẽ giảm sút. Đặc biệt, việc tiêu thụ hàng hóa nông sản ở một số địa phương khi vào vụ gặp khó khăn hơn.

Thị trường hàng hóa thế giới và trong nước đang chứng kiến sự tăng vọt về giá các mặt hàng nguyên liệu sản xuất như thức ăn chăn nuôi, sắt thép, xi măng, nhựa, thiếc, đồng, xăng dầu… và chi phí vận chuyển tăng cao. Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn, chip điện tử đang lan rộng toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng giá một số mặt hàng điện tử. Chi phí đầu vào tăng, các DN sản xuất gặp khó khăn hơn.

DN ở một số tỉnh, thành phố có dịch đứng trước nguy cơ hoạt động sản xuất bị đình trệ do thiếu lao động trong bối cảnh các nơi đang phong tỏa và giãn cách xã hội. Nhiều DN phải tìm phương án kiểm soát dịch, chuẩn bị cho phục hồi sản xuất.

Bên cạnh những yếu tố không thuận lợi như đã nêu trên, phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại trong thời gian tới cũng có những yếu tố thuận lợi như: Triển vọng tăng trưởng từ tận dụng ưu đãi mở cửa thị trường từ Hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu; Hiệp định FTA Việt Nam – Vương quốc Anh. Mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng như giá dầu, giá sắt thép, giá gạo, cao su… giúp XK đạt kim ngạch cao hơn. Cầu hàng hóa trên thị trường thế giới hồi phục, một số nước mở cửa trở lại khi đã tiêm đủ số lượng vaccine, đặc biệt là một số nền kinh tế lớn sẽ triển khai gói kích cầu tiêu dùng, sẽ là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh XK các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.

PV: Một số chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 sẽ là một thời cơ tốt để phát huy tiềm năng, tăng cường hình ảnh và uy tín trong mắt đối tác quốc tế, Thứ trưởng đánh giá sao về ý kiến này?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19 sẽ đem lại sự ổn định không chỉ trong đời sống của nhân dân mà còn đối với nền kinh tế nói chung, trong đó có hoạt động XNK. XK tháng 5 ước đạt 26 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung XK 5 tháng ước đạt 130,9 tỷ USD, tăng 30,7%. Như vậy, XK những tháng đầu năm đã đạt kết quả khả quan khi tăng trưởng XK đạt mức cao so với cùng kỳ.

Đà tăng trưởng được duy trì càng có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều yếu tố thuận lợi khi các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu đã triển khai và đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là tín hiệu khả quan cho việc các thị trường sớm phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội nói chung, và cầu tiêu dùng dần ổn định nói riêng. Bởi vậy, có thể thấy, việc kiểm soát tốt dịch bệnh và ổn định hoạt động sản xuất sẽ là động lực chính cho tăng trưởng XK của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, dịch bệnh hiện nay đang có tốc độ lây lan nhanh và điều đáng lo ngại là nhiều KCN tập trung các DN sản xuất nhóm hàng sản phẩm điện tử và linh kiện (nhóm hàng luôn đóng góp cao vào kim ngạch chung) tại một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang đang có nhiều ca bệnh mới, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Mặc dù vậy, chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng dịch COVID-19 sẽ sớm được kiểm soát, các DN ở các KCN sớm quay lại trạng thái làm việc tốt nhất, góp phần vào tăng trưởng XK của cả nước.

PV: Vậy, Bộ Công Thương có giải pháp để hỗ trợ DN duy trì sản xuất, xuất khẩu, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Để tận dụng các cơ hội đẩy mạnh XK, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh đang có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như Bắc Giang, Bắc Ninh để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, XK của các DN. Tổ chức thực thi có hiệu quả các FTA thông qua việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các nội dung đã cam kết, bảo đảm tính nhất quán của hệ thống luật pháp… Đồng thời, tăng cường vai trò thông tin của hệ thống các thương vụ tại nước ngoài để các DN kinh doanh XNK kịp thời nắm bắt cơ hội, cũng như chủ động hạn chế được các rủi ro, chi phí có thể phát sinh.

Đối với các DN, mục tiêu cấp bách hiện nay là phải đảm bảo hoạt động vận hành sẽ không làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các DN cần thực hiện đúng các quy định, thông báo của Bộ Y tế, kiểm soát người lao động để không để việc lây nhiễm chéo trong cơ sở sản xuất. Các DN tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin từ Bộ Công Thương để điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến thị trường bên ngoài.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.