Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, công nhân lao đao

Thứ Sáu, 16/04/2010, 15:41
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khương - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho biết: Từ đầu năm 2009 đến nay, tại các KCN ở Bình Dương đã có 10 chủ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn. Hậu quả là trên 2.800 công nhân lao động bị mất việc làm và bị chủ nợ lương trong nhiều tháng".

Các DN này đã để lại một khoản nợ lớn, trong đó, nợ lương của công nhân là 3,8 tỷ đồng, nợ BHXH là 4,7 tỷ đồng và các khoản nợ khác là 4,1 tỷ đồng.

Chỉ 2 DN là Công ty TNHH Hàn Việt (phường Hiệp Thành, thị xã Thủ Dầu Một) và Công ty TNHH Han Son (KCN Tân Định, huyện Bến Cát) còn nợ tiền BHXH (từ tháng 5/2006 đến tháng 3/2009) số tiền 3,2 tỷ đồng, nợ lương công nhân là 2,6 tỷ đồng.

Việc các chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn đã gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người lao động. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, LĐLĐ tỉnh đã kết hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết cấp bách một số nội dung trong đó việc chi trả lương cho người lao động.

Ngày 12/4, chúng tôi đến KCN Tân Định, cánh cổng Công ty TNHH Han Son vẫn im ỉm đóng. Chị Nguyễn Thị Nga, một công nhân đã từng làm việc tại Công ty Han Son, bức xúc: "Ngày 2/1/2010 đến kỳ nhận lương, chúng em mới biết Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc công ty đã bỏ trốn về nước từ tháng 8/2009, trên 800 công nhân làm việc tại công ty không được trả lương tháng 5 và tháng 6, các tháng sau đó chỉ được tạm ứng mỗi tháng chút ít tiền lương. Không được nhận đủ tiền lương, công nhân chúng em thật khốn khổ, ăn tiêu dè xẻn, tiền nhà trọ không có trả. Khốn khổ nhất là Tết Canh Dần vừa qua, chúng em không có tiền để về quê. Rất mong các cấp lãnh đạo Bình Dương can thiệp để chúng em sớm được lĩnh số tiền lương mà công ty còn nợ".

Cánh cổng Công ty Han Son vẫn im ỉm đóng.

Được biết, Công ty TNHH Hàn Việt đã tự ý cho công nhân nghỉ việc từ ngày 12/6/2009. Công ty đã nợ lương của công nhân (từ tháng 1/2009) là 1,2 tỷ đồng và nợ tiền BHXH trên 1 tỷ đồng. Cho nghỉ việc vô cớ lại nợ nhiều tháng lương nên công nhân Công ty Hàn Việt đã gửi đơn đến TAND tỉnh Bình Dương khiếu kiện.

Đến ngày 20/10/2009, TAND tỉnh Bình Dương có các bản án buộc Công ty Hàn Việt phải đóng BHXH, trợ cấp thôi việc cho người lao động. Cơ quan thi hành án thị xã Thủ Dầu Một đã niêm phong toàn bộ tài sản của công ty để thực hiện thi hành án theo quy định của pháp luật.

Cũng như vậy, tháng 11/2009, cơ quan thi hành án huyện Tân Uyên cũng đã niêm phong toàn bộ tài sản Công ty TNHH JS VINA (xã Tân Hiệp, huyện Tân Uyên) để chờ thi hành án. Để tránh thất thoát tài sản, bảo đảm thu hồi vốn vay, Ngân hàng Công thương chi nhánh Bình Dương cũng đã cử bảo vệ đến Công ty JS VINA quản lý nhà xưởng máy móc, chờ thanh lý.

Ngay sau khi được tin chủ doanh nghiệp trốn, BHXH tỉnh Bình Dương đã cử cán bộ đến tận công ty, nhanh chóng thu hồi sổ BHXH và các chứng từ giải quyết chế độ BHXH, tiến hành bảo lưu sổ BHXH cho người lao động.

Ngoài ra cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương còn dán thông báo trước cổng công ty để công nhân biết thông tin ai được nhận trợ cấp BHXH và hướng dẫn họ về BHXH tỉnh làm thủ tục giải quyết. Đến nay, BHXH tỉnh Bình Dương đã thu hồi được hàng ngàn sổ BHXH ở các công ty để quản lý, tiến hành chi trả tiền trợ cấp cho công nhân lao động.

Để bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân lao động, ngày 11/2/2010, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH kết hợp cùng Sở Tài chính, Ngoại vụ ứng tiền từ ngân sách để trả khoản lương mà chủ doanh nghiệp còn nợ công nhân, riêng Công ty Han Son, Sở LĐ-TB&XH đã chi trả lương thành 2 đợt. Đợt 1 (trước Tết Canh Dần), trả 60% lương tháng 5/2009 cho lao động khối văn phòng và 60% lương tháng 6 cho 599 công nhân. Đợt 2 từ ngày 22/2 đến 31/3/2010 chi trả hết lương còn lại của tháng 5 và 6/2009 cho cả khối văn phòng và người lao động.

Ngọc Ánh
.
.
.