Cho vay tiêu dùng còn rất nhiều tiềm năng

Thứ Ba, 02/07/2013, 23:42
Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, với vai trò là kênh tín dụng kích thích tiêu dùng, hoạt động cho vay tiêu dùng (CVTD) hiện đang trở nên rất phổ biến trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Ngành hàng mạnh nhất trong lĩnh vực này hiện nay chính là cho vay hỗ trợ mua hàng tại điểm bán.

Có thể nói, đây là một sản phẩm CVTD phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước trên thế giới. Các khoản vay này được áp dụng (thường ở lần đầu tiên) cho người tiêu dùng muốn mua các sản phẩm có tính chất lâu bền tại các cửa hàng. Đặc điểm của các khoản vay này thường có giá trị nhỏ và đối tượng là người có thu nhập trung bình, thấp. Với lợi thế mạng lưới rộng khắp, dễ tiếp cận, thủ tục vay đơn giản và nhanh chóng nên sản phẩm cho vay tại điểm bán ngày càng thu hút nhiều khách hàng, hứa hẹn sẽ trở nên phổ biến trong xã hội Việt Nam nhờ những lợi ích của dịch vụ này mang lại.

Tại cuộc Hội thảo “Tài chính tiêu dùng - Cơ hội và thách thức tại thị trường Việt Nam” do Tập đoàn Home Credit (đây là đơn vị hiện dẫn đầu trong lĩnh vực cho vay tại điểm bán tại thị trường Việt Nam - PV) tổ chức ngày 29/6 tại Phú Quốc (Kiên Giang), TS. Đinh Thế Hiển, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Chiến lược Ngân hàng Eximbank, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, đã nhận định rằng, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và tiềm năng còn rất lớn, hiện tỷ lệ tín dụng bình quân chiếm khoảng 5 - 6% GDP. Tuy vậy, trong vòng 5 năm tới cùng với sự phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam, thu nhập đầu người tăng và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ thì tín dụng tiêu dùng có thể đạt tới 10%/GDP, qua đó trở thành một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế…

Buổi hội thảo “Tài chính tiêu dùng - Cơ hội và thách thức tại thị trường Việt Nam”.

Theo ông Friedrich Weiss, Tổng Giám đốc Tập đoàn Home Credit, đây là dịch vụ cung cấp một giải pháp tài chính mới thay thế và thích hợp cho người dân có thu nhập thấp. Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, trong đó, khoảng 20% các bạn trẻ chưa có thu nhập và khả năng mua sắm cao, nên đây sẽ là những khách hàng tiềm năng cho năm sau và các năm kế tiếp.

Nhận xét về lĩnh vực này, bà Nguyễn Thu Hà, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho rằng các tổ chức tín dụng cần đưa ra những sản phẩm đa dạng, tiện ích, đơn giản, dễ hiểu và phải niêm yết công khai mức lãi suất linh hoạt, hợp lý rõ ràng, tạo điều kiện cho khách hàng ra quyết định sử dụng. Riêng khách hàng cần tăng cường nhận thức về lợi ích của CVTD, trau dồi kiến thức về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó nên thường xuyên liên hệ với cán bộ tín dụng để có những tư vấn tốt nhất. Và hơn hết, khách hàng cần tăng cường trách nhiệm sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.

Về mặt khó khăn, vướng mắc đối với dịch vụ này, bà Hà nhấn mạnh, Quyết định 1267 của Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng đang còn một số hạn chế, chưa thích hợp với CVTD, chẳng hạn như hồ sơ vay vốn phức tạp, nhiều giấy tờ, phải có phương án vay cụ thể, yêu cầu kiểm tra chặt chẽ... Ngoài ra, chưa có quy định về lãi suất rõ ràng, riêng biệt đối với hoạt động CVTD. Hiện mức lãi CVTD thông thường từ 13 - 25%/năm đối với ngân hàng thương mại, 24-65%/năm đối với các công ty tài chính và thẻ tín dụng 20-28%/năm vẫn còn cao

Phú Lữ
.
.
.