"Cháy" tour, phòng chưa hẳn vì hấp dẫn

Chủ Nhật, 26/04/2009, 17:49
Hiện, các tour, phòng đều "cháy", nghĩa là không đủ để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, việc "cháy" tour, phòng này chưa hẳn đã vì hấp dẫn du khách, bởi phần lớn khách du lịch nước ngoài chỉ ghé qua mà không lưu lại Hải Phòng.

Sự sôi động đáng ghi nhận

Theo cơ quan chức năng TP Hải Phòng, đến thời điểm 20/4, không còn hãng lữ hành nào của Hải Phòng nhận khách đặt tour. Nhu cầu đi du lịch của người dân thành phố đã vượt quá năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp. Các tour đi Sa Pa, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Ngũ Hành Sơn, làng chạm khắc Hoàng Hải (Đà Nẵng), phố cổ Hội An… dường như "cháy", mặc dù giá tour "ăn theo" giá dịch vụ đã tăng từ 20-30%, nhưng lượng khách đăng ký vẫn không ngừng tăng. Các tour đi các nước Đông Nam Á và Trung Quốc cũng được khá đông du khách Hải Phòng lựa chọn.

Người đi tấp nập, khách đến cũng sôi động không kém. Có thể nói, từ sau lễ hội kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà 1/4 và khai trương Du lịch Hải Phòng 2009, nhờ có những sản phẩm du lịch độc đáo, trong đó điển hình là các di chỉ khảo cổ học ở Cái Bèo (Cát Bà); các sản vật biển ở đảo Ngọc, như đồ lưu niệm làm bằng ngọc trai, nước mắm Cát Hải, mực khô, tu hài, cá ngựa, rượu sáp ong, mật ong rừng; các khu tham quan nghỉ dưỡng như: Khu dự trữ sinh quyển, Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu du lịch sinh thái quốc tế Cát Bà (Resort Cát Cò 2)… đã phần nào làm hài lòng du khách.

Chưa kể mới đây, tuyến phà biển Tuần Châu (Quảng Ninh) - Gia Luận (Cát Bà) khai trương, rút ngắn lộ trình từ Cát Bà đi Vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới, chỉ còn 50 phút, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách lựa chọn tour Hạ Long - Cát Bà.

Được biết đến thời điểm này, giá thuê phòng tại Cát Bà đã tăng 30-50% so tháng trước, nhưng cũng không còn chỗ trống. Riêng khu nghỉ mát Đồ Sơn, dự báo dịp Liên hoan du lịch "Đồ Sơn biển gọi-2009" vào ngày 30/4 tới, sẽ có hàng vạn du khách đổ về. Hiện tại, tình trạng "cháy" phòng tại các khách sạn, nhà nghỉ cũng đã diễn ra ở đây.

Ông Đỗ Văn Viết, Trưởng phòng Văn hoá, Du lịch và Thông tin quận Đồ Sơn, cho biết, với 175 khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, khu điều dưỡng, gồm gần 3.000 phòng, không chỉ dịp lễ hội 30-4 và 1-5 này, mà các ngày nghỉ cuối tuần, hầu hết cơ sở lưu trú ở đây cũng đều chật khách. Nhiều du khách chấp nhận trả giá cao nhất trong khung giá niêm yết để có được chỗ nghỉ, nhưng cũng không được đáp ứng.

Cũng theo ông Viết, lượng khách đổ về Đồ Sơn ngày một đông, một phần do vẻ đẹp đầy quyến rũ của các bãi tắm cũng như phong cảnh sơn thủy hữu tình, phần khác do Đồ Sơn có các điểm du lịch văn hoá tâm linh, đặc biệt là các di tích có ý nghĩa lịch sử cấp quốc gia, như: Bến Nghiêng, Bến K15 (còn gọi Bến tàu Không số), Đảo Dáu, Tháp Tường Long, Chùa Tháp…

Những năm gần đây, chính quyền thành phố cùng các doanh nghiệp làm du lịch, nhất là cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở 2 khu du lịch biển Đồ Sơn, Cát Bà đã nỗ lực rất cao trong việc đầu tư, chỉnh trang, xây dựng thương hiệu du lịch cho mình nên đã tạo được sự sôi động nói chung và sức hút đối với từng loại hình du lịch ở địa phương nói riêng. Đây là điều mà du khách xa gần cảm nhận được.

Đông chưa hẳn vì hấp dẫn!

Đó là nhận định của không ít du khách khi tới Đồ Sơn và Cát Bà mùa du lịch này. Chị Lê Thanh Thảo ở Hà Nội, được gia đình phái đi tiền trạm, đăng ký thuê phòng trước cho 4 người ở khu nghỉ mát Đồ Sơn dịp 30-4 và 1-5. Song lang thang một ngày trời vẫn không đăng ký được, do các khách sạn, nhà nghỉ đều đã chật cứng khách. Cực chẳng đã, chị quyết định chọn giải pháp cùng gia đình đi về trong ngày.

Theo chị Thảo, số khách các tỉnh lân cận đến Đồ Sơn chọn giải pháp như chị là khá đông. Trước đó, được biết ông Trần Hữu Thung, quê Thanh Hoá, đưa gia đình du lịch Cát Bà vào 2 ngày nghỉ cuối tuần, song cũng không thuê được phòng. Được một người bạn tư vấn, gia đình ông chỉ dạo qua Cát Bà rồi xuống phà Gia Luận, đi Quảng Ninh luôn…

Chưa nói, một lượng lớn khách quốc tế, xuống sân bay Cát Bi với mục đích du lịch biển Đồ Sơn và Cát Bà. Song họ cũng chỉ tham quan trong ngày rồi tới lưu trú ở địa phương khác. Nguyên do, các dịch vụ lưu trú thiếu, đặc biệt chưa có các khách sạn cao cấp cũng như khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mang đẳng cấp quốc tế để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nước ngoài.

Thực tế cho thấy, trong số gần 2 triệu lượt khách đến Đồ Sơn năm 2008, chỉ có 78 nghìn lượt khách quốc tế. Tương tự, lượng khách quốc tế đến Cát Bà cũng không nhiều. Như vậy rõ ràng, đông chưa hẳn là vì hấp dẫn. Điều đáng nói, sự thiếu hấp dẫn đối với du khách nước ngoài này đã làm mất đi một khoản thu không nhỏ. Thực trạng này cho thấy, đầu tư cho du lịch Hải Phòng, đặc biệt ở 2 khu du lịch biển Đồ Sơn và Cát Bà cần phải trúng hơn, đồng bộ hơn, nhanh hơn và xứng tầm hơn

Lệ Thu
.
.
.