Chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Thứ Năm, 01/03/2012, 12:50
Trước thực trạng hoạt động đưa người lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc diễn ra lộn xộn, kể từ 1/4, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp mạnh, chấn chỉnh hoạt động của các công ty XKLĐ trong nước, đặc biệt giám sát chặt về mức phí môi giới và tổng chi phí đưa lao động sang Đài Loan làm việc.

Thứ trưởng Bộ này, ông Nguyễn Thanh Hòa khẳng định sẽ thiết lập lại trật tự việc đưa lao động sang Đài Loan làm việc.

Đài Loan hiện đang là thị trường XKLĐ lớn thứ ba về tiếp nhận lao động Việt Nam. Hoạt động khai thác thị trường Đài Loan của các doanh nghiệp càng trở nên rầm rộ, mức phí mỗi nơi mỗi kiểu. Tuy nhiên sau nhiều năm, mức chi phí mà người lao động phải bỏ ra đã tăng một cách chóng mặt, vượt trần quy định và ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Người lao động muốn có một công việc hợp đồng 2 năm tại Đài Loan thường phải chi phí từ 5.500 đến 6.500 USD cho công ty trong nước, trong đó có khoản cho môi giới nước ngoài (khoảng 4.500 USD), tùy theo từng công việc. Như vậy, với mức lương từ 600 đến 800 USD/tháng và hợp đồng 2 năm làm việc, thì người lao động coi như phải làm không công hơn 10 tháng lương mới đủ trang trải chi phí trước khi đi.

Điều đáng bàn là với mức phí môi giới được liên Bộ Tài chính và LĐ-TB&XH quy định tối đa ở thị trường Đài Loan là 1.500 USD/lao động, nhưng hầu như không doanh nghiệp (DN) nào thực hiện đúng quy định này.

Kiểm soát, minh bạch các khoản chi phí giúp người lao động đi làm việc tại Đài Loan với mức phí thấp nhất.

Lý giải cho tình trạng này, một DN XKLĐ đã chia sẻ họ buộc phải “vượt rào” thì mới có được hợp đồng cung ứng. Trong khi các DN XKLĐ trong nước đua nhau đưa người sang Đài Loan, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, càng làm cho đối tác, các công ty môi giới Đài Loan được thể làm giá, đẩy phí môi giới lên cao, vô hình trung DN trong nước tự đẩy mình vào thế bị ép.

Từ mức phí 2.500 USD/ lao động công xưởng, 800 USD/ lao động giúp việc gia đình, viện dưỡng lão (năm 2004) đến nay (2012), lao động đi các đơn hàng công xưởng phải nộp mức phí từ 5.500 USD tới 6.500 USD. Lao động đi làm việc tại các viện dưỡng lão phải nộp mức trên 4.000 USD. Với cách làm của nhiều DN XKLĐ hiện nay thì chỉ có môi giới Đài Loan là hưởng lợi lớn.

Ông Đoàn Đại Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA), một DN thuộc Bộ LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn thừa nhận “nếu một mình DN làm nghiêm chỉnh, mà cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát chặt chẽ, vẫn để các DN khác lách thì DN chấp hành đúng chỉ có đường “ngồi chơi xơi nước”.

Chính vì thế mà lần này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa đã ký Văn bản số 341/LĐTBXH-QLLĐNN tập trung vào 3 giải pháp mạnh chấn chỉnh công tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan, đang được chính các DN XKLĐ hưởng ứng, mở ra cách khai thác thị trường minh bạch, có lợi cho các bên.

Lần này thì Bộ LĐ-TB&XH cũng đặt vấn đề kiểm soát việc thực hiện một cách riết róng. Yêu cầu các DN phải cung cấp tất cả hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí cho người lao động. Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, đơn vị này sẽ thực hiện nhiều biện pháp như tổ chức các đoàn đi thanh tra tại DN, phỏng vấn lao động tại sân bay, kể cả lao động đã sang Đài Loan làm việc.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 28/2, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết đang phối hợp với Cục QLLĐNN xây dựng kế hoạch thanh tra hoạt động này. Bộ LĐTBXH cũng đã chỉ đạo các Sở LĐ-TB&XH phối hợp với cơ quan Công an các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra các đầu mối của DN, phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ, những tổ chức thu gom, tuyển chọn, đào tạo, thu tiền và tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở Đài Loan, xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết nếu phát hiện người lao động được tuyển chọn đi làm việc tại Đài Loan sau ngày 1/4/2012, phải chịu chi phí cao hơn quy định và phát hiện DN cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng pháp nhân để tổ chức tuyển chọn, thu tiền đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào, DN sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu phát hiện doanh nghiệp tiếp tục vi phạm, Bộ sẽ phối hợp với phía Đài Loan thu hồi giấy phép đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan của các DN và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.                         

Bộ LĐ-TB&XH quy định cụ thể: Tổng chi phí của người lao động khi đi làm việc trong các ngành công nghiệp tại Đài Loan không vượt quá 4.500 USD/người/hợp đồng 3 năm, trong đó tiền môi giới tối đa không quá 1.500 USD.

Tổng chi phí người lao động phải nộp trước khi đi làm việc trong gia đình và chăm sóc sức khỏe tại Đài Loan không vượt quá 3.800 USD và tiền môi giới không vượt quá 800 USD. DN có thể thỏa thuận với người lao động việc ký quỹ đảm bảo thực hiện hợp đồng nhưng mức tiền ký quỹ tối đa không được quá 1.000 USD/người/hợp đồng 3 năm.

Thu Uyên
.
.
.