Tìm hướng liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên

Thứ Sáu, 24/07/2015, 15:21
Ngày 24/7, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức “Hội thảo Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên”.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; đại diện các Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận; các tổ chức, hiệp hội ngành hàng cùng các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, du lịch, nông nghiệp…

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Hội thảo liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên diễn ra nhằm mục tiêu làm sáng tỏ những vấn đề cần giải quyết trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng cho vùng Tây Nguyên. Qua đó, giúp các địa phương đánh giá lại thực trạng, xây dựng định hướng, giải pháp thúc đẩy liên kết vùng Tây Nguyên gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tham vấn góp ý vào dự thảo Quy chế thí điểm liên kết vùng Tây Nguyên; thảo luận và thống nhất tầm quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế cho vùng và các địa phương; xây dựng kế hoạch chương trình hành động giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên.  

Đô thị, giao thông…vùng Tây Nguyên đang ngày càng được đầu tư, phát triển.

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Tây Nguyên được xem là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp khai khoáng, thủy điện; sản xuất các loại cây công nghiệp như: cà phê (chiếm 92% sản lượng cả nước), cao su (chiếm 33% diện tích), hồ tiêu (chiếm 40% diện tích)…Ngoài ra, là vùng tiềm năng để sản xuất rau, hoa công nghệ cao phục vụ xuất khẩu; các lưu vực, hồ, sông, suối và truyền thống văn hóa của người dân tộc bản địa là tiềm năng lớn để phát triển du lịch…

Tuy nhiên, đến nay vùng Tây Nguyên chỉ mới đóng góp 4,5% GDP của cả nước, so với các vùng miền khác vẫn là vùng kém phát triển. Tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế vùng chưa được khai thác đúng mức, kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định...

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng; cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và liên kết vùng còn nhiều hạn chế và chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của vùng. “Tạo được sự liên kết vùng vững chắc sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, nhằm hướng đến mục tiêu hiện đại hóa sản xuất ngành hàng công nghiệp chất lượng cao và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đều cho rằng, hiện nay việc liên kết giữa các tỉnh Tây Nguyên bước đầu đã có sự phối hợp nhưng nhìn chung chưa mang lại hiệu quả. Để phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các tỉnh cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó giải pháp liên kết vùng hết sức quan trọng. Vì đây là cách để tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh của vùng và các tỉnh.

Văn Thành
.
.
.