Không thể biến Việt Nam thành 'bãi thải công nghệ'

Thứ Ba, 25/08/2015, 22:26
Dự thảo Sửa đổi Thông tư 20/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Dự thảo thông tư lần này được kỳ vọng sẽ trở thành “hàng rào pháp lý” quan trọng để hạn chế, quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, không biến Việt Nam thành “bãi thải công nghệ”, gây ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng và có thể gây mất an toàn cho nền kinh tế. Ngày 25/8, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Tokuyama Shimon, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam xung quanh bản dự thảo này.

PV: Trước khi có bản dự thảo mới nhất Thông tư sửa đổi thông tư 20, nhiều doanh nghiệp băn khoăn về cả 2 tiêu chí: thời gian sử dụng của thiết bị và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu của thiết bị. Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, nơi có mạng lưới công ty FDI Nhật Bản rộng khắp tại Việt Nam, ông có chia sẻ và đề xuất gì?

Ông Tokuyama Shimon: Trước tiên, tôi muốn chia sẻ rằng, tại đất nước chúng tôi không có quy chế nào về việc hạn chế nhập khẩu các loại máy móc đã qua sử dụng. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng mục đích của Bộ Khoa học và Công nghệ khi ban hành Thông tư 20 là nhằm bảo vệ môi trường Việt Nam.

Mặt khác, đối với các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản thì Việt Nam là một cứ điểm sản xuất quan trọng. Trong số các máy móc mà các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản sử dụng, quá bán là các máy móc đã qua sử dụng, và chúng thường xuyên được thay đổi linh kiện, bảo dưỡng bảo trì cẩn thận nên dù sau 15 năm, 20 năm, hay lâu hơn thế thì vẫn không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, và vẫn được sử dụng trong thời gian dài. Chúng tôi mong rằng, các máy móc mà doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản có ý định nhập khẩu sẽ không bị hạn chế về năm sử dụng, mà thay vào đó là được xem xét về mặt chất lượng. Chúng tôi đề nghị những máy móc được chứng minh có thể đảm bảo về mặt vận hành sẽ được phép nhập khẩu mà không giới hạn về số năm đã sử dụng.

PV: Nhưng ông có tính đến những ảnh hưởng của máy móc thiết bị đã qua sử dụng đến môi trường, kinh tế hay không? Các nhà quản lý lo ngại Việt Nam sẽ trở thành “bãi rác công nghệ”, nếu như điều kiện nhập thiết bị nới lỏng?

Ông Tokuyama Shimon: Tôi khẳng định, việc sử dụng máy móc đã qua sử dụng không chỉ giúp giảm thiểu chi phí sản xuất mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất tại Việt Nam. Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam xin khẳng định sẽ tiếp tục cống hiến không chỉ cho việc bảo vệ môi trường, mà còn vì sự phát triển kinh tế và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm tại Việt Nam hơn nữa.

PV: Được biết, riêng khu vực miền Bắc có 617 công ty, tổ chức có vốn đầu tư của Nhật và nếu tính trên cả 3 miền Việt Nam thì số lượng công ty thành viên của Hiệp hội vào khoảng 1.500 công ty. Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản không mong muốn quy định về năm sử dụng, mà muốn quy định về phần trăm (%) chất lượng. Tuy nhiên, nếu quy định % thì rất khó để quản lý, có thể phát sinh tiêu cực. Đó cũng là vấn đề mà Bộ KHCN lo ngại. Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Tokuyama Shimon: Việc quy định phần trăm chất lượng theo chúng tôi là rất khó. Chúng tôi đề nghị máy móc nếu được chứng minh đảm bảo về mặt vận hành thì sẽ được phép nhập khẩu.

Nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng phải được bảo hộ bằng hành lang pháp lý chắc chắn.

PV: Tuy nhiên, khi làm thủ tục hải quan, nếu máy móc không được phép thông quan và đưa về hoạt động thử thì sẽ không biết được có đảm bảo về chất lượng và vận hành hay không. Như vậy sẽ khó khăn cho cơ quan hải quan?

Ông Tokuyama Shimon: Để đánh giá được về mặt chất lượng và đảm bảo vận hành của máy móc, trước khi nhập khẩu có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức kiểm định tiến hành kiểm tra máy móc đó.

PV:  Trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 20 có quy định liên quan đến các doanh nghiệp FDI. Nếu các doanh nghiệp FDI đã được phê duyệt dự án đầu tư, mà trong dự án đầu tư đã có danh mục máy móc qua sử dụng dự kiến nhập khẩu hoặc sử dụng, thì máy móc đó không cần phải thỏa mãn các điều kiện liên quan nữa. Đây có phải là quy định rất thuận lợi với các doanh nghiệp Nhật Bản hay không?

Ông Tokuyama Shimon: Việc được phép nhập khẩu các máy móc thuộc danh mục thiết bị đã qua sử dụng được ghi trong hồ sơ dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mà không cần thỏa mãn các điều kiện ràng buộc khác là quy định rất thuận lợi đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp muốn mở rộng nhà máy và muốn nhập khẩu thêm các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng khác nhưng chưa được ghi trong dự án đầu tư, hoặc khi di chuyển máy móc đã dùng sang nhà máy mới thành lập thì cũng cần thiết được quy định giống như vậy.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Đức (thực hiện)
.
.
.