Công nghệ chế biến nâng cao giá trị cho ngành thủy sản Việt Nam

Thứ Tư, 08/04/2015, 16:45
“Thực phẩm công nghiệp và sự cần thiết của công nghệ chế biến cho ngành thủy sản Việt Nam” là chủ đề được đưa ra thảo luận tại buổi họp họp mặt hội viên Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tại Cần Thơ vào ngày 8/4.

Theo thống kê, năm 2014, giá trị thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD, trong đó cá tra chiếm 22,6%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ (22,3%), EU (18,2%). Riêng cá tra, ba sa xuất khẩu năm 2014 đạt 1,7 tỷ USD, chủ yếu là EU, trong đó Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất (21%).

Ông Rosenberger, Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty Nienstedt (CHLB Đức) cho biết, từ năm 2010, việc nhập khẩu vào Đức giảm mạnh do sự tác động của truyền thông đến nhận thức của người tiêu dùng, bên cạnh đó, cá được đưa vào danh sách đỏ… Theo ông Rosenberger, thực phẩm công nghiệp (Convenience Food) đang ngày càng được coi trọng ở các nước phát triển ở Châu Âu cũng như ở Đức, vì nó có ưu điểm là nhanh gọn, thuận tiện…

Các đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội thảo.

Hiện nay ở các nước tiên tiến có rất nhiều loại thực phẩm công nghiệp. Ông Rosenberger, dẫn chứng: Với người Châu Âu, khi ăn mà nghe mùi cá là họ không chịu. Vì vậy những sản phẩm như cá thanh là thực phẩm phổ biến vì ăn không còn nghe mùi cá, dễ làm chín và quan trọng là nó có âm thanh giòn, hấp dẫn khi ăn. Hàng năm ở Đức tiêu thụ gần 60 ngàn tấn cá thanh.

Cũng theo ông Rosenberger, các sản phẩm sinh học hữu cơ (sản phẩm xanh) đang được thị trường châu Âu quan tâm, vì chúng cho giá trị gia tăng cao mà Việt Nam có thể làm được, hiện thị phần còn ít nhưng đang gia tăng mạnh. Ngoài ra, việc đóng gói, bao bì cũng rất quan trọng…

Ở Đức, lượng hải sản nhập vào chiếm tỷ lệ rất lớn vì lượng đánh bắt của họ rất nhỏ. Tuy nhiên, khi nhập vào, người Đức chỉ tiêu thụ khoảng 50%, còn lại là được chế biến tiếp để tăng giá trị và xuất khẩu. Ông Rosenberger cũng giới thiệu công nghệ chế biến của Nienstedt với những ưu điểm vượt trội, hy vọng mang đến những hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trong chế biến thủy hải sản để nâng cao giá trị bằng cách gia tăng tính tiện dụng, hạ giá thành…

Đức Văn
.
.
.