Cần thêm nhiều sáng kiến để phục hồi du lịch

Thứ Hai, 08/03/2021, 08:01
Sau nhiều đợt liên tục “liêu xiêu” vì dịch bệnh do COVID-19, du lịch Việt sẽ rất khó khăn trong năm 2021. Đó là nhận định chung của nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch, dù rằng, người làm du lịch đã có thêm kinh nghiệm ứng phó với COVID-19 sau các đợt dịch bùng phát trước đó. Người làm du lịch sẽ phải có thêm nhiều sáng kiến, giải pháp mới nếu muốn phục hồi “ngành công nghiệp không khói” này.

Theo ông Bùi Anh Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên, mặc dù dịch bệnh tại địa phương đã được kiểm soát nhưng các doanh nghiệp du lịch vẫn rất khó khăn vì chưa có nguồn thu. Một nguy cơ khác mà ngành Du lịch phải đối diện trong thời gian tới là thiếu nhân lực. Do không có việc làm trong một thời gian dài, đến nay, nhiều người lao động của ngành Du lịch đã tìm công việc khác để duy trì cuộc sống. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên có thêm những biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, khi các hoạt động du lịch chưa nhiều, chưa sôi động, cần có những chương trình đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ dưới hình thức trực tuyến để các địa phương như Điện Biên có sự chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn hậu COVID-19.

Du lịch nội địa vẫn là thị trường trọng yếu trong năm 2021.

Đồng quan điểm về sự cấp thiết trong khôi phục, phát triển nguồn nhân lực du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Khánh còn cho rằng, cần triển khai sớm và tích cực hơn nữa các giải pháp chuyển đổi số. Cần có kế hoạch hỗ trợ truyền thông về các điểm đến, những nơi có chính sách tốt để doanh nghiệp tiếp cận, đồng thời tạo niềm tin cho du khách. Các doanh nghiệp cần chủ động, chuẩn bị cho mùa du lịch hè sắp tới. Ngoài thị trường nội địa, các doanh nghiệp cần hướng tới những thị trường gần và đã kiểm soát được dịch. Để giúp đỡ doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn khó khăn, mới đây, Hiệp hội đã có kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp du lịch về thuế, bảo hiểm, tín dụng…  Tuy nhiên, trong khi chờ đợi hỗ trợ từ chính quyền thì các doanh nghiệp phải tích cực “tự cứu lấy mình”.

Ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Du lịch cũng cho hay, Hội đã gửi bản đề xuất gồm 7 giải pháp để Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam trình Chính phủ hỗ trợ giúp đỡ các hướng dẫn viên du lịch, trong đó có hỗ trợ giảm phí cấp mới, đổi thẻ cho hướng dẫn viên. Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch bệnh, giai đoạn hiện nay và tương lai gần, Việt Nam chỉ có thể đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa. Nhiều hướng dẫn viên quốc tế chuyển sang làm hướng dẫn viên nội địa nhưng thiếu những kỹ năng đặc thù. Vì thề, cần có thêm khoá đào tạo kỹ năng cho hướng dẫn viên như quay phim, chụp ảnh, hoạt náo viên, tổ chức teambuilding…

Nhận định về du lịch Việt sau đợt dịch lần này, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch VITA cũng cho rằng, mặc dù Việt Nam được biết đến là nước chống COVID-19 nhưng sẽ rất khó khăn để phục hồi và phát triển du lịch trong năm 2021. Để thoát khỏi tình trạng du lịch “đóng băng” do ảnh hưởng của COVID-19 thì cần phải có có những giải pháp, biện pháp mới. 

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thọ, để thích ứng với tình hình mới, gần đây, những nước dẫn đầu về du lịch ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia... đã thúc đẩy hoạt động du lịch bằng cách tổ chức sự kiện online, hay còn gọi là du lịch ảo. Việt Nam cũng có thể đẩy mạnh các hoạt động du lịch ảo, xây dựng các văn phòng ảo để tiếp xúc với du khách trong nước và quốc tế. Khi COVID-19 được kiểm soát tốt thì bên cạnh đẩy mạnh du lịch nội địa, cần xem xét mở cửa từng bước đối với thị trường du lịch quốc tế, các nước đã kiểm soát được dịch bệnh.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam gợi ý, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả của COVID-19, vừa bàn xem phải làm gì để khôi phục kinh tế. Cần tập trung bàn thảo những công việc phải làm ngay để tồn tại. Cần nghĩ cách đưa khách quốc tế vào Việt Nam. Mặt khác, các Hiệp hội cũng cần  động viên các doanh nghiệp cố gắng giữ lực lượng cốt cán để có thể sớm quy tụ lại sau dịch. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã xác định du lịch nội địa chiếm vai trò chủ đạo trong năm 2021. Dự kiến, tháng 4-2021, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tổ chức diễn đàn du lịch nội địa nhằm phân tích thực trạng, chỉ ra các thách thức, cơ hội và giải pháp cho mảng du lịch này.

Ngoài ra, Hiệp hội vẫn đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM 2021 tại Đà Nẵng. Nghiên cứu, xây dựng các phương án sẵn sàng phục vụ khách du lịch quốc tế ngay sau khi điều kiện cho phép.  Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam cũng xây dựng và tổ chức các chương trình kích cầu du lịch nội địa ngay sau khi hết giãn cách xã hội theo hướng đảm bảo an toàn, phòng chống dịch.

N.H
.
.
.